Huyền Chip: Nơi cuối cùng con quay về

Huyền Chip: Nơi cuối cùng con quay về

Thứ 6, 22/03/2013 | 15:49
0
Khi tôi vẫn còn trong bụng mẹ, ai cũng nghĩ rằng tôi sẽ là con trai. "Nó đạp như một võ sĩ vậy", mẹ kể. Mặc dù bố thề rằng ông sẽ vẫn yêu tôi nếu chẳng may tôi là con trai thật, ông quá đỗi sung sướng khi tôi sinh ra là con gái. Trước tôi, bố mẹ đã có một đứa con trai, chính là ông anh trai quý hóa của tôi bây giờ.

Trong số ba anh chị em, tôi là người nhìn giống bố tôi nhất. Và tôi ghét điều đó. Giá mà tôi giống mẹ thì có phải là tôi đã có một khuôn mặt xinh đẹp và một thân hình người mẫu rồi không. Chẳng gì trước đây mẹ tôi cũng là hoa khôi huyện cơ mà. Thay vào đó, tôi lại có một khuôn mặt tròn như cái mâm và cặp giò to bự của một cầu thủ bóng đá - giống bố.

Tôi cáu kỉnh đổ lỗi cho ông: "Bố ơi là bố, sao bố lại lùn vậy?". Ông nhún vai: "Để tiết kiệm tiền may quần áo". Rồi ông đặt tay lên vai tôi, nhìn sâu vào mắt tôi: "Chip này, cái quan trọng không phải con cao bao nhiêu, mà là bộ óc của con hoạt động như thế nào. Bố tuy lùn nhưng vẫn cưa cẩm được mẹ con đấy thôi". Mẹ tôi lúc đấy mới gào ra từ trong bếp: "Ừ đúng, bố con thông minh lắm. Lừa được cả mẹ lấy ông cơ mà".

Bố và mẹ lúc nào cũng cãi nhau về việc phải nuôi dạy tôi như thế nào. Mẹ muốn tôi trở thành một đứa con gái nữ tính truyền thống, trong khi bố tôi thì lại: "Cứ để con bé tự nhiên phát triển tính cách của chính nó". Tôi thích trèo cây, quần áo mặt mũi lúc nào cũng tèm nhem toàn nhựa và nhựa. Mẹ cáu lên mắng: "Con gái con đứa mà lại trèo cây giặc giời thế hả?".

Bố sửa lại: "Con trai chúng ta trèo cây em cũng đâu có thích. Nói lý lẽ với con tại sao trèo cây lại không tốt: Nó có thể bị ngã, quần áo dính nhựa cây thì không giặt được hay gì gì đó. Đừng nói với con rằng nó không làm được điều gì chỉ vì nó là con gái".

Xã hội - Huyền Chip: Nơi cuối cùng con quay về

Khi viết những dòng này, Huyền đang ở Argentina, đúng dịp đất nước này ăn mừng sự kiện Hồng y Jorge Mario Bergoglio của Argentina trở thành tân Giáo hoàng. Ảnh: Huyền Chip trả lời phỏng vấn đài ABC về sự kiện lịch sử của Argentina

Tôi hồi nhỏ hay bị mẹ mắng là nghịch như con trai, toàn tháo đồ điện tử trong nhà ra xem nó hoạt động như thế nào. Bố không những không mắng mà còn chỉ cho tôi cách tháo cho đúng cách. Bố dạy tôi thay bóng điện, dạy tôi sửa xe đạp, dạy tôi dùng nam châm và dây đồng để tạo ra dòng điện. Bố khuyến khích tôi đọc. Bố đặt báo cho tôi, cuối tuần lại còn đưa tôi lên thư viện huyện đọc sách. Ước mơ của tôi cũng lớn dần lên cùng những tờ báo, cuốn sách đầu đời đó.

Tôi mơ ước được học  khối cấp ba chuyên trường Tổng hợp. Học xong cấp hai, bố chở tôi đi xe máy mấy trăm cây lên Hà Nội thi mà không đi xe khách vì tôi bị say xe. Tôi thi đỗ. Tuy nhiên, gia đình tôi lại gay gắt phản đối: "Con gái con đứa học trường tốt làm gì?", "Con gái con đứa ra thành phố sẽ hư hỏng hết". Một lần nữa, bố tôi lại là người duy nhất ủng hộ tôi. "Chip này, có thể con sẽ không trở thành đứa con gái ai cũng muốn con trở thành, nhưng con sẽ trở thành đứa con gái khiến tất cả chúng ta tự hào".

Bố dẫn tôi lên nhập học. Ông để tôi ở lại Hà Nội với một tấm bản đồ. "Bố sẽ giữ một tấm bản đồ nữa. Khi nào con đi lạc thì gọi cho bố". Bố biết tôi mù phương hướng và không gì khiến tôi sợ hơn là đi lạc.

Tôi lớn dần lên. Chân tôi bước nhanh hơn và con đường tôi đi cũng dài hơn. Hiếm khi tôi dừng chân để nhìn lại. Tôi không còn phải gọi cho bố để hỏi đường nữa, vì bây giờ Google Maps, GPS hiệu quả hơn nhiều. Bố thỉnh thoảng gọi lên hỏi tôi: "Tại sao con có thể đi khắp nơi nhưng lại không thể về nhà?". Tôi trả lời cho có: "Bố ơi, con bận lắm."

Lần cuối cùng trở về nhà, tôi không kìm được nước mắt khi nhìn thấy bố. Ông chưa đầy 50, nhưng những năm tháng vất vả đã bào mòn sức lực của ông. Ông không còn có thể trèo thang lên thay bóng điện, cũng không còn có thể đi xe máy mấy trăm cây như  ngày trước nữa. Nhưng ông vẫn nhớ nỗi sợ đi lạc của tôi.

"Chip này, con lớn rồi. Con đang đi đến những nơi ta chưa bao giờ đặt chân tới. Con chẳng cần ông già này chỉ đường cho con nữa đâu nhỉ?". Lần đầu tiên trong đời, tôi ôm chầm lấy ông, tu lên khóc:  "Bố ơi, có thể bố không dẫn con tới nơi con đang đến. Nhưng bố sẽ luôn là một nơi để cuối cùng con lại quay về".                                         

Huyền Chip (tác giả của "Xách Ba-lô lên và đi")

Cuộc hành trình... vòng quanh thế giới của cô gái với 700 USD

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
– 15 tuổi một mình lên Hà Nội học chuyên Toán tại trường Đại học Tổng hợp, 20 tuổi, cô có một quyết định mạo hiểm hơn: Một mình đi vòng quanh thế giới.

Gặp cô gái 9X “chu du” thế giới không mất tiền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
– Đó là Tường Huyền Trâm, cô sinh viên năm thứ 4 ĐH Ngoại thương, Hà Nội. Bắt đầu từ tháng 8/2009, Huyền Trâm đã tìm kiếm cho mình những cơ hội du lịch kết hợp hội thảo hay các khóa học miễn phí ở nước ngoài.

Giới trẻ 'nghèo' nhất tài sản gì?

Thứ 3, 29/01/2013 | 08:42
Để định vị vững vàng, người trẻ phải tự mình đối diện và giải quyết khủng hoảng lớn nhất - khủng hoảng niềm tin.

Những nhân vật có ảnh hưởng đến đời sống giới trẻ Việt 2012

Thứ 4, 02/01/2013 | 10:58
Không nổi tiếng bởi sắc đẹp hay những vụ tai tiếng, Huyền Chip, thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu… lại gây được ấn tượng trong lòng bạn trẻ Việt bởi những hoạt động ở nhiều lĩnh vực và phương diện của đời sống.