“Cơn thịnh nộ” YFQ-44A: Mỹ chuẩn bị tung át chủ bài trên bầu trời

Thứ 5, 22/05/2025 08:07

Với biệt danh “Cơn thịnh nộ”, máy bay không người lái YFQ-44A bước vào thử nghiệm, hé lộ át chủ bài mới của Mỹ trong cuộc cách mạng chiến tranh trên không.

Không quân Hoa Kỳ đã chính thức bắt đầu giai đoạn thử nghiệm mặt đất đối với YFQ-44A - mẫu máy bay chiến đấu không người lái thế hệ mới do công ty công nghệ quốc phòng Anduril Industries phát triển. Giai đoạn thử nghiệm này đang được tiến hành trong một khu phức hợp hiện đại tại Costa Mesa, California, đánh dấu bước tiến quan trọng trong Chương trình Máy bay Tác chiến Hợp tác (Collaborative Combat Aircraft – CCA), một sáng kiến đầy tham vọng nhằm tái định hình tương lai chiến đấu trên không thông qua việc tích hợp các nền tảng tự hành với máy bay có người lái truyền thống.

YFQ-44A, có tên mã nội bộ là "Fury" (Cơn thịnh nộ), là một trong hai nguyên mẫu thử nghiệm đại diện cho dòng sản xuất đã được lựa chọn cho giai đoạn Đợt 1 (Increment 1) của chương trình CCA. Những nền tảng không người lái này được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể năng lực tác chiến, khi tham gia các nhiệm vụ nguy hiểm bên cạnh các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm như F-35 Lightning II và tiêm kích thế hệ tiếp theo - hiện được gọi là F-47. Mô hình chiến đấu mới dựa trên sự hợp tác giữa người và máy (MUM-T), nơi các máy bay tự hành đóng vai trò "nhân tố nhân bản chiến lực": do thám, gây nhiễu, tấn công hoặc làm "lá chắn sống", giúp mở rộng tầm với và tăng khả năng sống sót cho máy bay có người lái.

“Cơn thịnh nộ” YFQ-44A: Mỹ chuẩn bị tung át chủ bài trên bầu trời- Ảnh 2.

Máy bay không người lái YFQ-44A. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Các cuộc thử nghiệm mặt đất hiện tại bao gồm đánh giá toàn diện hệ thống động cơ, thiết bị điện tử hàng không, thuật toán điều khiển tự hành và giao diện điều khiển của YFQ-44A. Những đánh giá này là bước quan trọng để xác nhận tính khả dụng và mức độ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trước chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Dữ liệu từ thử nghiệm sẽ hỗ trợ quá trình hoàn thiện thiết kế cũng như xây dựng các kịch bản tác chiến khi Không quân Mỹ tiến tới lựa chọn mẫu CCA cuối cùng vào năm tài khóa 2026.

Thiết kế của YFQ-44A phản ánh sự chuyển mình trong triết lý mua sắm quốc phòng: ưu tiên tính khả thi về chi phí và khả năng mở rộng mà không hy sinh năng lực chiến đấu. Anduril đã theo đuổi phương pháp kỹ thuật mang tính mô-đun và thực tiễn, kết hợp các linh kiện thương mại sẵn có như động cơ máy bay thương gia, hệ thống càng đáp đơn giản và thân máy bay tinh gọn. Cách tiếp cận này giúp cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất và bảo trì, đồng thời rút ngắn thời gian bàn giao - một yếu tố then chốt trong chiến lược xây dựng lực lượng "đông đảo, hiệu quả, bền vững" của Không quân Mỹ.

Về mặt khí động học, YFQ-44A sở hữu cấu trúc cánh liền thân tối ưu hóa khả năng tàng hình, sử dụng vật liệu composite tiên tiến và lớp phủ hấp thụ sóng radar để giảm tín hiệu trên nhiều phổ điện từ. Thiết kế thân máy bay cho phép tích hợp linh hoạt các loại tải trọng nhiệm vụ, từ gói tác chiến điện tử, cảm biến tình báo – trinh sát – giám sát (ISR) cho đến vũ khí chính xác. Hệ thống tự hành tích hợp cho phép máy bay đưa ra quyết định chiến thuật theo thời gian thực, với mức độ giám sát từ con người được điều chỉnh tùy theo kịch bản nhiệm vụ.

Là một phần của tầm nhìn rộng lớn hơn trong chương trình CCA, YFQ-44A được thiết kế để hoạt động theo cụm hoặc đội hình, có thể được điều khiển từ xa bởi phi công trên máy bay chỉ huy, hoặc tự vận hành thông qua liên kết vệ tinh và mạng dữ liệu bảo mật. Điều này cho phép thực hiện các cuộc tấn công phối hợp, điều chỉnh nhiệm vụ theo thời gian thực và phản ứng linh hoạt trước điều kiện chiến trường mà không đặt phi công vào nguy hiểm.

YFQ-44A của Anduril hiện đang cạnh tranh trực tiếp với YFQ-42A của General Atomics - hai mẫu máy bay dẫn đầu trong cuộc đua CCA của Không quân Mỹ. Cả hai nền tảng đều đang trong giai đoạn thử nghiệm mặt đất, với các chuyến bay thử nghiệm dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2025. Kết quả của các thử nghiệm này sẽ định hình không chỉ tương lai của chiến tranh trên không không người lái, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ học thuyết quốc phòng khi Mỹ tìm cách duy trì ưu thế trên không trong bối cảnh các mối đe dọa toàn cầu ngày càng gia tăng.

Chương trình CCA đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực hàng không quân sự, nơi tốc độ sản xuất, tính linh hoạt khi triển khai và khả năng tích hợp trí tuệ nhân tạo sẽ là các yếu tố quyết định thành công. Với sự kết hợp giữa hiệu quả chi phí, năng lực tự hành và hỏa lực sát thương cao, YFQ-44A đang dẫn đầu làn sóng chiến đấu thế hệ mới.

Thế Hải (Theo TWZ, Armyrecognition)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.