Cú sốc Covid-19 thúc đẩy kinh tế số Việt Nam

ctv ban 2

ctv ban 2

Thứ 4, 25/08/2021 13:08

Dịch Covid-19 đã tạo nên cú huých cho xu hướng phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam, giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế và tạo niềm tin cho DN.

Động lực thúc đẩy nền kinh tế số

Báo cáo “Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 24/8 tại Hà Nội chỉ rõ “sau 17 tháng sống trong đại dịch Covid 19, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại đã đẩy nhanh sự trỗi dậy của kinh tế số. Sự trỗi dậy này diễn ra và trở nên đặc biệt rộng rãi (broad-based) hơn trong những tháng gần đây".

Số liệu WB nghiên cứu cho thấy có tới 60% các doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam đến nay đã thiết lập hoặc tăng sự hiện diện trực tuyến của mình để cung cấp dịch vụ và bán hàng cho những khách hàng. Chính phủ đã số hoá hơn 2000 thủ tục hành chính và dịch vụ công. Đó không chỉ là cách ứng phó ngắn hạn giúp Việt Nam đối phó với những khó khăn về tương tác trực tiếp trong đại dịch mà sự lan toả của các công nghệ số sẽ làm giảm chi phí doanh nghiệp, mở ra những cơ hội mới để phát triển và đa dạng hoá thị trường.

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết có tới 2/3 doanh nghiệp tư nhân sử dụng công nghệ có liên quan đến kinh tế số từ việc sử dụng điện thoại thông minh đến các thiết bị trong nền tảng số vào hoạt động vận hành hàng ngày. “Chính điều này cho thấy triển vọng nền kinh tế số sẽ đóng góp tới 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 trong giai đoạn tới,” ông cho biết.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế số đóng góp 20% GDP, thiết lập nền tảng 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và Việt Nam sẽ là nơi tốt nhất trong khu vực để các doanh nghiệp số tới kinh doanh và thành công, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số.

Kinh tế vĩ mô - Cú sốc Covid-19 thúc đẩy kinh tế số Việt Nam

Ông Hoàng Anh Tú, Phó vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng những hành động quyết liệt hiện nay cho thấy có 2 điều chắc chắn sẽ xảy ra. “Điều thứ nhất đó là chuyển đổi số, công nghệ số sẽ tiếp tục phát triển và điều thứ hai là Việt Nam sẽ vượt qua thách thức đại dịch Covid 19 và sớm trở lại trạng thái bình thường mới”, ông khẳng định.

Ông Tú cho biết trong 7 tháng đầu năm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam có chậm lại do một số địa phương đang phải đối phó với dịch bệnh tuy nhiên vẫn đạt con số hơn 10 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Tuy nhiên, điều đáng chú ý là riêng lĩnh vực công nghệ, thông tin và truyền thông đã cho thấy số lượng doanh nghiệp đầu tư lên tới 170 doanh nghiệp phần mềm, viễn thông, điện, điện tử. Chính đại dịch Covid-19 là động lực thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng phát triển và dịch chuyển nguồn đầu tư này", ông Tú cho biết.

Ông Morisset, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cũng cho rằng dòng vốn FDI năm 2020 và 2021 ở nhiều nước bị đứt gãy và ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định vững vàng cho thấy niềm tin vào năng lực và khả năng chống đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Đây là xu hướng tốt cho thấy sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam hướng nền tảng hệ sinh thái số là công cụ phát triển toàn bộ nền kinh tế và xã hội.

Kinh tế vĩ mô - Cú sốc Covid-19 thúc đẩy kinh tế số Việt Nam (Hình 2).

"Việt Nam sẽ là công xưởng số của khu vực và thế giới"

Theo nghiên cứu “Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai” vẫn có những rủi ro phát sinh do chuyển đổi số mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, bao gồm mất việc làm của lao động có trình độ thấp do thay đổi bởi ứng dụng công nghệ số, quan ngại về an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân trong khi vẫn tạo thuận lợi cho lưu chuyển dữ liệu.

“Để tận dụng tối đa chuyển đổi số, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu mới về lao động có trình độ cao hơn, nâng cấp năng lực đổi mới sáng tạo để tạo thuận lợi hơn cho sự xuất hiện của những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, và cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu và thông tin để ra quyết định tốt hơn", báo cáo nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - Cú sốc Covid-19 thúc đẩy kinh tế số Việt Nam (Hình 3).

Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Jaques Morisset

Ông Morisset cho rằng cú sốc Covid-19 lại là lực đẩy để Chính phủ đã có quyết sách mạnh mẽ, doanh nghiệp điều chỉnh vận hành hướng vào phát triển nền kinh tế số, đã có những kết quả nhưng đây mới là bước đầu tiên, cần chú tâm đến nâng cấp nền tảng công nghệ và hạ tầng mạng lưới hiện nay, không chỉ hạ tầng cứng mà còn hạ tầng mềm.

“Những doanh nghiệp công nghệ lớn như Intel, Apple, Samsung đã có mặt tại Việt Nam, đây là lợi thế rất lớn cho thấy niềm tin của giới đầu tư nước ngoài vào môi trường phát triển kinh tế tại Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp này chuyển giao năng lực cho doanh nghiệp và người dân địa phương mạnh mẽ hơn nữa,” ông Morisset chia sẻ.

Theo ông, Việt Nam có nhiều nhân tài người Việt ở nước ngoài, Chính phủ cần tạo động lực đưa nguồn nhân lực chất lượng cao này trở về và hỗ trợ nền kinh tế số trong nước phát triển. Bên cạnh đó cần có những chính sách cụ thể tận dụng nguồn nhân tài trong nước và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nói về những chính sách hỗ trợ, ông Hoàng Anh Tú khẳng định xu hướng số hoá trong hoạt động kinh tế và vận hành doanh nghiệp đã trở thành hiện thực không thể đảo lộn do tác động dịch bệnh Covid-19, đối với các doanh nghiệp cần chuyển đổi số nhanh nhất có thể, đặc biệt tư duy người lãnh đạo doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới cần phát triển đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số có năng lực chuyên môn và tài chính mạnh mẽ cung cấp nền tảng giúp các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi. Khi đó Việt Nam sẽ là một công xưởng số của khu vực và thế giới.

“Chính phủ đang xem xét ban hành nhiều chính sách phi truyền thống mang lại lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp số tối ưu hoá các lợi thế của công nghệ mang lại cho xã hội và nền kinh tế bên cạnh những chính sách về thuế, sở hữu trí tuệ, ưu đãi đất đai và nguồn nhân lực,” ông Tú cho biết.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho biết với những chính sách linh hoạt, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì phát triển rất tốt đạt tăng trưởng 5,6% GDP nửa đầu năm 2021. “Nếu Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt vào cuối quý 3, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển hồi phục nền kinh tế vào quý 4, cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đây là cơ sở cho ước tính của chúng tôi về mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 4,8%,” bà dự báo.

Tuy nhiên theo các chuyên gia để Việt Nam là công xưởng thế giới về công nghệ số, Việt Nam cần sớm khắc phục nền tảng công nghệ, hiện tốc độ kết nối còn chậm, kỹ năng số của nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu, khung pháp lý phát triển kinh tế số chưa đồng bộ, hệ thống bảo mật dữ liệu cá nhân cần phải hoàn thiện, bên cạnh đó là khuyến khích và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và người sử dụng.

Vũ Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.