Cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Bình luận sau vụ rơi trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và một số quan chức cấp cao thiệt mạng, cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc Mỹ có liên quan.
Trong thông điệp viết trên mạng xã hội X (Twitter), ông Zarif nói "Mỹ là một trong những thủ phạm gây ra vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran, vì Mỹ bất chấp phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và vẫn duy trì lệnh cấm bán máy bay và linh kiện máy bay cho Iran".
Không rõ ông Zarif đề cập phán quyết nào của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Tháng 3/2023, ICJ ra phán quyết yêu cầu Mỹ bồi thường vì đóng băng tài sản của Iran một cách bất hợp pháp.
Vụ việc bắt đầu vào năm 2016 khi Iran kiện Mỹ lên ICJ, cáo buộc Washington vi phạm hiệp ước hữu nghị năm 1955 về quan hệ song phương.
Trong các phiên điều trần năm 2022, chính phủ Mỹ lập luận rằng tòa án nên bác bỏ vụ kiện vì Mỹ tịch thu tài sản là do Iran "tài trợ khủng bố". Trong khi đó, Iran phủ nhận tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Năm 1995, Mỹ đã áp đặt các quy định cấm bán máy bay và linh kiện sửa chữa máy bay cho Iran. Các máy bay thương mại của Iran cũng bị cấm vào không phận Mỹ do lệnh trừng phạt.
Đây là lệnh trừng phạt thứ hai của Mỹ sau lệnh trừng phạt đầu tiên vào năm 1979, khi một nhóm sinh viên Iran tràn vào Đại sứ quán Mỹ, bắt giữ con tin trong 444 ngày.
Hiện trường vụ rơi trực thăng ở Iran hôm 19/5.
Lệnh trừng phạt thứ ba được Mỹ áp dụng với Iran vào năm 2006, liên quan đến các hoạt động xuất khẩu dầu và thương mại của Iran.
Trong thông điệp ngày 20/5, ông Zarif không nêu rõ lý do đằng sau cáo buộc Mỹ là một trong những thủ phạm vụ trực thăng chở Tổng thống Iran rơi.
Ông Zarif từng là Ngoại trưởng Iran giai đoạn 2013 - 2021, từng đóng vai trò giúp Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ vào năm 2015. Tháng 7/2020, ông Zarif từng chỉ trích Mỹ “khủng bố kinh tế” Iran vì các biện pháp trừng phạt khiến quốc gia đối mặt vô vàn khó khăn.
Theo CNN, chiếc trực thăng Bell 212 chở ông Raisi và các quan chức cấp cao Iran là mẫu trực thăng do công ty Bell ở Mỹ sản xuất từ những năm 1960.
CNN nhận định, những khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cho trực thăng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
"Mẫu máy bay này được chính quyền Iran thân Mỹ mua vào năm 1976. Ở Mỹ, các trực thăng loại này đã xuất hiện từ những năm 1960", nhà phân tích quân sự của CNN, Cedric Leighton nói.
"Điều đó nghĩa là Iran có lẽ đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng cho trực thăng có nguồn gốc từ Mỹ", ông Cedric Leighton nhận định.
Trong quá khứ, Iran đã thành công trong việc sản xuất phụ tùng và thậm chí tự chế độ một số mẫu trực thăng phỏng theo trực thăng của Mỹ. Nhưng không rõ trực tăng Bell 212 có nằm trong số này hay không.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp