Bị cáo Tô Anh Dũng.
Chiều 25/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi vụ “chuyến bay giải cứu”.
Trả lời thẩm vấn trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) thừa nhận, đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên. Đến nay, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục hết số tiền trên.
Khai trước tòa, bị cáo Dũng mong HĐXX xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong suốt quá trình thực hiện chủ trương đưa công dân về nước, bản thân ông không dám có suy nghĩ làm sai, luôn phối hợp với 5 Bộ để đưa công dân về nước an toàn. Bị cáo Dũng khẳng định, bản thân không có động cơ kinh tế, ý đồ gì trong vụ án.
Quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, bị cáo Dũng chỉ mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không gây khó khăn, không vòi vĩnh doanh nghiệp đưa tiền. Các doanh nghiệp chủ động qua và tự động đưa tiền cho bị cáo.
“Đây là lỗi lầm hết sức đau đớn, đẩy bị cáo rơi vào vòng lao lý. Bị cáo rất ăn năn, hối lỗi và mong được lượng thứ”, bị cáo Dũng nghẹn giọng nói trước tòa.
Bị cáo Dũng trình bày, vụ việc hôm nay, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Bộ Ngoại giao, cá nhân, gia đình. Hiện bị cáo đã khắc phục hoàn toàn 21,5 tỷ đồng. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo luôn tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, nên mong được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Nói về hoàn cảnh, bị cáo Dũng cho hay, từ khi bị tạm giam, sức khoẻ bị cáo giảm sút, “bản thân bị thoát vị đĩa đệm”, nên mong muốn tòa xem xét để bị cáo sớm được trở về phụng dưỡng mẹ già.
Tại toà, vợ bị cáo Dũng khóc nghẹn, xin HĐXX có sự khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho chồng và mong HĐXX xem xét trả lại tài sản cho gia đình. Khi nghe vợ trình bày, bị cáo Dũng đưa tay lên gạt nước mắt.
Bị cáo Phạm Trung Kiên.
Về phần bị cáo Phạm Trung Kiên – giúp việc cho lãnh đạo Bộ Y tế, mong HĐXX xem xét cho bị cáo hình phạt có thời hạn.
Bị cáo Kiên cũng đưa ra tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt như: vợ có bằng khen; là chiến sĩ thi đua…
Theo bản án sơ thẩm, tháng 4/2020, do ảnh hưởng của COVID-19 nên Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương. Người dân chỉ cần trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó, các chuyến bay combo được thực hiện với việc người dân tự trả toàn bộ chi phí.
Quá trình thực hiện, các bị cáo đã lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn.
Từ năm 2020 - 2021, có 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để được cấp phép chuyến bay, 20 doanh nghiệp đã đưa và nhận hối lộ tổng cộng 515 lần, với tổng số tiền 165 tỷ đồng.
Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, bị cáo Dũng bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Còn bị cáo Kiên bị tuyên chung thân về tội “Nhận hối lộ”.
Quỳnh An