Đà Nẵng: Người dân chủ động phòng chống bão số 9

Đà Nẵng: Người dân chủ động phòng chống bão số 9

Nguyễn Duy Cường

Nguyễn Duy Cường

Thứ 3, 27/10/2020 13:57

Nhiều người dân cho rằng, thời tiết nắng ráo là nguy cơ bão sẽ tiến vào.

Người dân chủ động phòng chống bão

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, vào ngày 27/10, người dân tại TP.Đà Nẵng chủ động trong việc phòng chống bão.

Tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu điện, nước, bao bì khá tập nập người mua.

Người dân chủ yếu mua bao bì đựng cát để chèn mái tôn, ống nước, dây thép, dây kẽm, tôn, đinh vít, đèn pin, đèn sạc… Mặc dù sức mua tăng cao nhưng chưa ghi nhận tình trạng tăng giá.

Tin nhanh - Đà Nẵng: Người dân chủ động phòng chống bão số 9

Nhiều gia đình chằng néo mái nhà trước bão. 

Tại các khu vực ven biển, người dân chủ động trong việc chằng néo nhà cửa. Nhiều khu vực tại quận Thanh Khê, quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, lực lượng công an, bộ đội cũng giúp dân trong việc gia cố nhà cửa.

Ông Nguyễn Thanh Hà, quận Sơn Trà cho biết, nghe thông tin dự báo bão số 9 gió rất lớn. Do đó, ông và người thân từ sáng đã xúc cát vào bao giằng phía trên mái nhà.

“Mỗi khi nghe bão to là tôi sợ lắm. Cách đây hơn 10 năm, bão đã vào TP.Đà Nẵng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nên không được chủ quan”.

Bà Trần Thị Thảo, quận Thanh Khê chia sẻ: “Mỗi mùa mưa, cứ nghe bão lớn là sợ. Tôi năm nay hơn 60 tuổi, chứng kiến rất nhiều cơn bão và sức tàn phá vô cùng nặng nề. Do đó, người dân nghe bão là phải giằng néo nhà cửa. Tôi dặn các con, không được chủ quan”.

Đến trưa 27/10, thời tiết tại TP.Đà Nẵng nắng ráo. Nhiều người dân cho rằng, thời tiết nắng đẹp là có nguy cơ bão sẽ vào.

Tin nhanh - Đà Nẵng: Người dân chủ động phòng chống bão số 9 (Hình 2).

Người dân và lực lượng chức năng xúc cát giằng néo mái nhà. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, dự báo bão số 9 có sức tàn phá lớn nên cả hệ thống chính trị thành phố phải vào cuộc và vận động người dân thực hiện các biện pháp ứng phó bão, đặc biệt là trước khi bão cập bờ.

Ông Quảng đặc biệt chú ý đến việc kiểm tra sơ tán dân đến nơi an toàn, đảm bảo vừa chống được gió mạnh, vừa chống được lũ.

Các đơn vị chức năng kiểm tra các điểm nguy cơ sạt lở đất, không được chủ quan. Ngoài ra, không được để người dân ở các khu lán trại tạm ở các công trình xây dựng đang thi công.

Được biết, các quận, huyện tại TP.Đà Nẵng đã rà soát, lên danh sách sơ tán dân theo phương án đã được phê duyệt. Dự kiến, số lượng sơ tán đối với kịch bản bão với gió cấp 8-11 là 72.136 người, giáo bão cấp 12-12 là 140.868 người.

Cũng theo dự báo, nguy cơ cao xảy ra mưa rất lớn, tập trung trong thời gian bão ảnh hưởng và đổ bộ gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu, đặc biệt là khu vực sông Tuý Loan, sông Cu Đê.

Ngoài ra, còn gây ngập úng vùng trũng thấp các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu.

Xử lý hình sự nếu không di dời chống bão số 9

Ngày 27/10, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã ký ban hành văn bản yêu cầu từ 20h đêm 27/10, người dân không ra khỏi nhà cho đến khi có thông báo  mới.

Bên cạnh đó, bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày mai, 28/10, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Tin nhanh - Đà Nẵng: Người dân chủ động phòng chống bão số 9 (Hình 3).

Việc gia cố nhà cửa đặc biệt được quan tâm. 

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức kiểm tra tình hình triển khai công tác ứng phó với thiên tai theo Quyết định phân công ngày 26/10 của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố nhằm bảo đảm công tác ứng phó bão số 9 an toàn cao nhất cho người dân và lực lượng ứng cứu.

Khi bão đến tất cả phải tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho nơi di dân đến, chỉ ra ngoài làm nhiệm vụ và ứng cứu khi có lệnh của người có thẩm quyền.

Vị chủ tịch thành phố còn lưu ý: “Các đơn vị liên quan, tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18h ngày 27/10.

Đồng thời yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, ông Thơ giao sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dừng ngay việc khai thác bắt đầu từ 14h ngày 27/10 và đưa người rời khỏi khu vực khai thác để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân.

Thành lập 3 đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia để kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 9.

Cụ thể: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh theo dõi phụ trách xử lý trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh theo dõi phụ trách xử lý trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ; Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên theo dõi phụ trách xử lý trên địa bàn quận Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.