Khi nhắc đến một loại hải sản ví như "mì chính nhà giàu" vì có độ ngọt, thơm tự nhiên chúng ta không thể không nhắc đến sá sùng. Đây là một loại đặc sản vùng biển. Ở một số vùng sa sùng còn có cách gọi khác nhau như: sâu đất, trùng biến, bibi, sâm biển... Loại hải sản này thuộc động vật thân mềm chỉ sống ở bãi cát ven biển khi thủy triều lên.
Đặc biệt mình của sá sùng có các sợi vân ngang nhỏ li ti, ruột của nó là một đường ống trải dọc từ đầu tới cuối thân. Loại hải sản biển này không có tim, gan hay phổi mà chỉ chứa đầy cát bên trong. Con người thường bắt hải sản biển này ở trong hang đá, khe cát dưới đáy biển. Sá sùng có màu sắc thay đổi theo từng môi trường sống khác nhau.
Sá sùng còn tươi độ dài thường 5 - 10cm, một số khác dài lên tới 15 - 40cm. Thường thì hải sản biển này mỗi con chỉ khoảng hơn một trăm gam. Ngư dân thường bắt vào thời điểm sáng sớm, lúc bãi bồi nhô lên do thủy triều rút, sá sùng núp mình dưới cát và để lại dấu viết do đêm hôm trước đi kiếm ăn. Thời điểm đánh bắt được nhiều sá sùng nhất là vào khoảng tháng 1 đến tháng 5 dương lịch.
Do số lượng sá sùng tự nhiên không nhiều và giá trị dinh dưỡng vô cùng tốt nên giá thành đắt đỏ.
Không chỉ làm gia vị, sá sùng còn làm được các món ăn nổi tiếng như: sá sùng xào su hào, sá sùng xào giòn, sá sùng tẩm bột chiên giòn… Sá sùng tươi rất ngọt, thường để nấu nước dùng hoặc nấu cháo. Không chỉ thơm ngon, đây còn là bài thuốc giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với những ai cần phục hồi sức khỏe. Đây là đặc sản người xưa tiến Vua.
Những năm gần đây, sá sùng được rao bán với giá khá đắt đỏ. Một cân sá sùng tươi có giá lên tới 600-650 nghìn đồng. Trong khi đó, sá sùng khô được bán với mức 4-7 triệu đồng/kg, tuỳ loại.
Nổi bật bán sá sùng với giá 6-7 triệu đồng/kg, chị Thanh Phương ở Vân Đồn, Quảng Ninh cho biết, sá sùng xuất hiện ở các vùng biển như Vân Đồn, Móng Cái, Nha Trang, Phú Quốc, Kiên Giang… Tuy nhiên, sá sùng ở vùng biển Quan Lạn vẫn là loại ngon nhất.
Từ xa xưa đặc sản có "1-0-2" sá sùng được coi là rồng đất tiến vua vì rất quý hiếm và bổ dưỡng, ngày xưa làm vật cung tiến vua chúa.
“Sá sùng không phải mùa nào cũng có mà chỉ xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Chúng thường sống ở những bãi cát ven biển, nơi có thuỷ triều lên xuống, giống hệt con giun đất. Đặc biệt là khi có ánh nắng là chúng rúc sâu xuống cát để trốn nên phải dùng mai để đào và bắt”, chị Phương nói.
Thông thường sau khi bắt về, sá sùng tươi được làm sạch bằng cách lộn ngược ra để rửa sạch cát ở bên trong rồi mang đi cấp đông để ăn tươi hoặc sấy khô để bảo quản được lâu hơn.
Theo chị Phương, sá sùng được coi là đặc sản có giá khá cao so với mặt bằng chung của các loại hải sản. Trung bình, mỗi cân sá sùng tươi được bán với giá từ 600-650 nghìn đồng, giá sùng sấy khô có giá từ 4-7 triệu đồng/kg. Trong đó, đắt nhất là dịp Tết, giá lên tới 6-7 triệu đồng/kg.
“Sá sùng có giá cao nên mấy năm nay dân đi khai thác ồ ạt, lượng sá sùng vì thế cũng giảm đáng kể. Trước Tết, tôi gom mãi cả tháng mới được 9kg sá sùng trả đơn cho khách biếu Tết”, chị Phương nói.
Cũng bán sá sùng với giá từ 2,4 triệu đồng đến 7 triệu đồng/kg, chị Thanh Nga, trú tại Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, giá sá sùng đắt hay rẻ phụ thuộc vào size to hay bé.
"Loại to nhất tôi bán từ 6-7 triệu, nhỏ nhất chỉ 2,4 triệu đồng. Giá đắt bởi vì hiếm, ngoài ra 1kg sá sùng tươi làm sạch chỉ được 0,3kg. Làm sạch xong lại mang đi sấy. Khoảng 10kg sá sùng tươi mới được 1kg sá sùng khô", chị Nga cho hay.
Mua sá sùng với giá 6,5 triệu đồng/kg, chị Đỗ Lệ Quyên, trú tại Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm, giá sá sùng khô loại 1 chỉ 5 triệu đồng/kg nhưng năm nay đã tăng lên 6,5 triệu đồng.
“Giá đắt nên nhà tôi chỉ mua mỗi lần một lạng dùng dần. Tết mới mua một vài cân đi biếu đối tác cho sang”, chị Quyên nhấn mạnh.
Cũng theo chị Quyên, sá sùng khô từ xưa đã được coi như một loại mì chính tươi cho vào nồi nước dùng khi nấu bún thang, mì vằn thắn, phở giúp nước có vị ngọt thanh, đậm đà. Ngoài ra, sá sùng còn được nướng lên làm mồi nhậu, ngâm rượu uống để chữa yếu sinh lý cho nam giới.
“Nghe giá có vẻ cao thế thôi chứ khi nấu ăn ở nhà, một nồi canh tôi chỉ cần cho nửa con sá sùng vào là nước đã ngọt rồi. Hoặc là khi nấu cháo cho con, tôi chỉ cho 1 con vào là ngọt lịm, thơm lừng, tốt hơn rất nhiều so với các loại gia vị công nghiệp”, chị Phương khẳng định.
Bật mí thêm về cách làm sá sùng, chị Phương cho rằng, sá sùng mua về không thể tránh khỏi còn dính cát bên trong. Vậy nên cần cắt hai đầu sá sùng ra rồi rang sơ không cho dầu ăn, sau đó vò nhẹ bằng tay cho cát rụng hết ra và cho thêm dầu ăn vào đảo. Khi nào sá sùng chuyển sang màu vàng nhạt là được.
Chia sẻ với Dân Trí, chủ một cửa hàng chuyên hải sản ở Hà Nội cho biết, trên thị trường sá sùng nếu không cẩn thận, thượng khách rất dễ mua phải hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Cách phân biệt dễ nhất là khi nấu lên, vị nước dùng không được đậm và thơm.
Ngoài ra, chủ cửa hàng này cũng bày cách cách chọn "mì chính nhà giàu" đúng chuẩn cho người tiêu dùng, như là hàng tươi sống thì nên chọn con to, thân chắc, bên trong có cát và mang mùi đặc trưng của biển. Còn dòng khô thì ưu tiên những con mình dày, kích thước đều nhau, màu trắng ngà và không có mùi tanh.
Hiện nay ít ai còn nhớ rằng sá sùng lại chính là linh hồn của nước phở thời xưa. Những nồi nước phở muốn thơm ngon, ngọt tự nhiên thì ngoài xương ống, người ta cho thêm một nắm nhỏ những con sá sùng khô, loại nhỏ. Nước dùng không những trong mà còn ngọt thanh, chẳng loại gia vị nào sánh kịp. Theo đó để thưởng thức đặc sản “vàng ròng” này, người ta phải bỏ ra số tiền không nhỏ.
Trúc Chi (t/h)