Cần tổng kết việc thực hiện đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề
Sáng 25/10, tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi).
ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), đồng tình với sự cần thiết của sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, giúp cho thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp hơn.
Góp ý về luật này, đại biểu Thường có một số băn khoăn. Thứ nhất, về vấn đề đại lý bảo hiểm, trước đây không quy định đại lý được làm cho một hay nhiều doanh nghiệp nhưng lần này lại quy định. Vị đại biểu này cho rằng, nên để doanh nghiệp quản lý việc này.
Đại biểu Thường thông tin thêm, thị trường kinh doanh bảo hiểm cũng tạo ra việc làm cho gần 1 triệu người lao động. Với khó khăn của đại dịch Covid-19 hai năm qua, nhiều người lao động mất, thiếu việc làm thì họ chuyển sang học nghề lấy chứng chỉ tham gia làm đại lý bảo hiểm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 170.000 người tham gia thị trường bảo hiểm.
“Tôi nhớ rằng, cũng có thời kỳ “người người, nhà nhà làm bảo hiểm”, nên Dự thảo không nên hạn chế quyền tự do kinh doanh bảo hiểm của đại lý bảo hiểm của luật cá nhân hay tổ chức”, đại biểu Thường bày tỏ.
Trong thời gian qua, do nhu cầu mở rộng mạng lưới của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như nhu cầu việc làm thêm thì số đại lý bảo hiểm cá nhân gia tăng. Nhưng, chất lượng đại lý bảo hiểm không cao. Có những đại lý không hiểu cặn kẽ về sản phẩm bảo hiểm để giới thiệu, tư vấn đầy đủ đến khách hàng. Người mua bảo hiểm cũng không hiểu hết nghĩa vụ của mình… dẫn đến việc lựa chọn sản phẩm không phù hợp với nhu cầu.
“Tôi cho rằng, cần có những tổng kết đánh giá, đặc biệt tổng kết việc thực hiện đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề, kiểm soát hoạt động của đại lý bảo hiểm trong thời gian qua. Từ đó, bổ sung các quy định về điều kiện, trình độ và chế tài cụ thể với hoạt động đại lý bảo hiểm, làm sao gắn được trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đào tạo đại lý bảo hiểm thì mới nâng cao chất lượng bảo hiểm, như vậy, thị trường mới dần trở nên chuyên nghiệp hơn”, đại biểu Thường nói.
Bảo hiểm vi mô là hình thức có tính đặc thù
Về chế định bảo hiểm vi mô, đây là điều rất nhân văn, tác động trợ giúp thêm cho an sinh xã hội của quốc gia. Đại biểu Thường cho rằng, khi đưa vào dự thảo thì doanh nghiệp và tổ chức mặc nhiên có hai loại hình. Nhưng, lại không quy định tổ chức nào được tham gia và không được phép tham gia. Vì thế, đại biểu này đề nghị dự thảo luật phải quy định rõ.
“Bảo hiểm vi mô ẩn chứa rất nhiều rủi ro, dù bảo hiểm giá trị thấp hay thời gian bảo hiểm ngắn thì cũng không thể loại trừ hết rủi ro. Như vậy, từ quản trị tài chính đối với tổ chức thì cũng phải quản chặt chẽ đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Kinh doanh bảo hiểm là ngành khá phức tạp, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, mặc dù bảo hiểm vi mô không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, nhưng để cho một tổ chức yếu kém quản lý thì sẽ có nhiều rủi ro, sẽ tác động đến an sinh, xã hội. Vì thế, tôi cho rằng dự thảo cần nghiên cứu hướng thay vì tạo ra các tổ chức tương hỗ bảo hiểm vi mô thì nên tạo điều kiện, cơ chế khuyến khích để các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp họ thực hiện bảo hiểm vi mô”, đại biểu Thường nói.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội), nhất trí với ý kiến của đại biểu Thường về bảo hiểm vi mô. Theo đại biểu Lộc, bảo hiểm vi mô là hình thức rất rộng, rất cần thiết. Bởi, chúng ta đang thúc đẩy sự phát triển của kinh tế vi mô.
“Nếu chúng ta coi đây là tổ chức chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm vi mô, coi đây là một tổ chức tương hỗ bảo hiểm cần có thêm quy định. Còn coi đây chỉ là mô hình thiết kế sản phẩm bảo hiểm như một loại hình nghiệp vụ bảo hiểm thì cần đưa vào danh mục như bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ trong luật này. Nếu không quy định cụ thể thì sẽ rất chơi vơi”, đại biểu Lộc nói.
Cũng liên quan đến bảo hiểm vi mô, thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, bảo hiểm vi mô là một hình thức có tính đặc thù. Đối với hình thức bảo hiểm vi mô, số lượng người tham gia đông, nhưng chủ yếu là những người yếu thế.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, mức thu nhập hợp đồng bảo hiểm không quá 5 năm lần thu nhập của hộ cận nghèo, điều đó có nghĩa là khoảng 50 triệu/hợp đồng, đây là con số nhỏ. Tuy nhiên, số người tham gia đông, lực lượng làm không chuyên nghiệp, lợi nhuận thấp nên ít tham gia mà chủ yếu là dùng số lượng cán bộ, công chức của mình kiêm nhiệm để thực hiện hình thức này, còn để hạch toán riêng biệt chi phí, trả lương đầy đủ thì việc hoạt động khó hiệu quả. Tuy nhiên, điều này mang lại lợi ích cho người nghèo, người yếu thế rất tốt.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng, việc Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này rất quan trọng, giúp kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh bảo hiểm đã có hơn 20 năm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Đáng chú ý, mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cũng như bổ sung quy định quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tạo hành lang an toàn cho người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà doanh nghiệp nước ngoài sẽ khuyến khích các đối tượng tham gia bảo hiểm nhiều hơn. Trong khi doanh số bảo hiểm tăng lên góp phần tạo nguồn thu cho nền kinh tế quốc gia, cùng với đó người dân có cơ hội tiếp cận đời sống tốt hơn.