Đăng ký trường đại học: Đừng quá quan tâm đến thu nhập sau khi ra trường

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Chủ nhật, 16/07/2023 20:01

Bên cạnh đó, các thí sinh không nên quá áp lực về thu nhập của ngành nghề sẽ ảnh hưởng không tốt tới việc lựa chọn và học tập sau này.

Đến nay, thí sinh còn khoảng 2 tuần để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 2023. Mặc dù không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển, tuy nhiên việc sắp xếp, chọn lựa ngành như thế nào cho phù hợp, tăng tỉ lệ trúng tuyển vẫn là vấn đề nhiều em quan tâm.

Chia nguyện vọng thành 3 nhóm

Lưu ý đối với thí sinh, ThS Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết điểm khác biệt cơ bản trong kỳ tuyển sinh 2023 so với năm 2022, khi thi sinh đăng ký nguyện vọng thì chỉ cần chọn chính xác tên ngành của trường mà không cần chọn tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ, một số trường có các ngành có chỉ tiêu riêng cho từng tổ hợp xét tuyển thì phải chọn đúng ngành theo tổ hợp xét tuyển đi cùng.

Cụ thể như, khi xét tuyển vào Trường Đại học Mở Hà Nội, đối với các ngành Luật, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế có chỉ tiêu riêng cho Tổ hợp xét tuyển C00, thí sinh cần chọn đúng tên ngành. Ví dụ: Luật (THXT C00); Luật Quốc tế (THXT C00); Luật Kinh tế (THXT C00).

“Một số mốc thời gian xét tuyển năm 2023 cũng có thay đổi, thí sinh cần bám sát các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để không bị bỏ lỡ cơ hội. Các em cần đăng ký (và điều chỉnh) các nguyện vọng xét tuyển đại học trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT từ ngày 10/7 đến 30/7/2023, cho dù các em đã có thể trúng tuyển xét tuyển sớm - trúng tuyển có điều kiện để được chính thức trúng tuyển và nhập học”, ông Ngọc Anh cho biết.

Giáo dục - Đăng ký trường đại học: Đừng quá quan tâm đến thu nhập sau khi ra trường

ThS Đỗ Ngọc Anh cho rằng thí sinh nên chọn 6-10 ngành.

Đối với việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay, ThS Đỗ Ngọc Anh đưa ra lời khuyên: “Các em nên tìm hiểu kỹ về các ngành học, xác định rõ bản thân yêu thích hoặc phù hợp ngành học nào. Điều nay là quan trọng nhất bởi có đỗ vào ngành yêu thích, hoặc phù hợp thì mới mong chất lượng học tập tốt, ra trường có công việc như mong muốn”.

Ngay sau đó, tiến hành liệt kê danh mục các trường đại học có tuyển sinh ngành học mà bạn đã chọn kèm theo điểm chuẩn 2 - 3 năm gần nhất. Có thể lựa chọn từ 6-10 ngành tương đương với 6-10 nguyện vọng.

Chia danh mục thành này thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm điểm chuẩn trung bình các năm gần đây nhiều hơn điểm tự xác định từ 1-3 điểm. Nhóm 2 có điểm chuẩn trung bình các năm gần đây và điểm tự xác định tương đương nhau (có thể hơn kém nhau 1 điểm). Nhóm 3 là nhóm điểm chuẩn trung bình các năm gần đây ít hơn điểm tự xác định từ 1-3 điểm

“Mỗi nhóm đã chia ở trên phải có ít nhất 1 nguyện vọng được lựa chọn. Các em sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp của bản thân”, ông Ngọc Anh chia sẻ.

Ngoài ra, cần lựa chọn các trường, các ngành theo một số tiêu chí: đã được kiểm định chất lượng; có học phí phù hợp với điều kiện gia đình; có nhiều học bổng để phấn đấu học tập; có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao; có nhiều ngành nghề đào tạo để có thể học song song 2 văn bằng tăng cơ hội có việc làm tốt khi ra trường.

Giáo dục - Đăng ký trường đại học: Đừng quá quan tâm đến thu nhập sau khi ra trường (Hình 2).

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ các ngành nghề trước khi đặt nguyện vọng.

Không nên chỉ quan tâm đến thu nhập của ngành

Thông tin về ngành học, TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết các ngành được nhiều em đăng ký xét tuyển như Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Anh.

Bên cạnh đó những chuyên ngành đào tạo bằng ngoại ngữ cũng thu hút sự quan tâm của thí sinh như Marketing, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông doanh nghiệp.

Giữa muôn vàn ngành nghề, ông Dũng bày tỏ: “Các em nên thực hiện những bài test về thiên hướng nghề nghiệp để biết mình phù hợp với ngành nào, vì nhiều bạn thích một ngành nhưng năng lực, tính cách lại phù hợp với ngành khác, giúp các em có nhiều cơ hội thành công hơn sau này”.

Thầy giáo cho rằng nếu thí sinh quá quan tâm đến thu nhập sau khi ra trường để chọn ngành cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. Vì vậy cần tìm hiểu kỹ ngành học nghề nghiệp để giúp các em có định hướng rõ ràng.

Giáo dục - Đăng ký trường đại học: Đừng quá quan tâm đến thu nhập sau khi ra trường (Hình 3).

TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội.

“Khi đặt nguyện vọng các em chỉ tập trung vào 1 ngành hot để tạo sự cạnh tranh trong khi mình không phải thí sinh thuộc top đầu. Thay vào đó NV1,2,3 là những ngành mình muốn theo học, làm nghề sau này, sắp xếp như vậy sẽ có cơ hội để đỗ vào ngành đó trước tiên. Nếu không trúng tuyển các nguyện vọng đầu vẫn còn có những nguyện vọng dưới vừa tầm với khả năng của mình”, ông Dũng đưa ra lời khuyện cho thí sinh.

Điều quan trọng trong khoảng thời gian chờ đợi điểm và xét tuyển đại học, sự lo lắng sẽ không giúp cải thiện kết quả, thí sinh hãy thả lỏng, thư giãn và tìm hiểu chủ động những ngành đào tạo các trường mà phù hợp với khối ngành mình dự thi để sau này có lựa chọn chính xác, tránh vội vàng, chủ quan.

Từ ngày 10/7 đến 30/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, từ 31/7 đến ngày 6/8/2023.

Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 6/9/2023 (muộn hơn so với dự kiến 7 ngày).

Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 25/7/2023. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.