Người biểu tình ủng hộ đảo chính đốt phá trước Đại sứ quán Pháp ở Niamey, Niger ngày 30/7. Ảnh: Reuters
Khi Tổng thống Mohamed Bazoum đang bị binh lính giam lỏng tại dinh tổng thống ở Niamey, tình hình căng thẳng đã diễn ra trên các con đường ở thủ đô của Niger. Người biểu tình ủng hộ đảo chính hô vang "đả đảo Pháp" trong khi tấm bảng Đại sứ quán Pháp bị phá bỏ.
Những hình ảnh đó đã kinh động tới Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào công dân Pháp ở Niger, đồng thời lên án cuộc đảo chính là "bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho Niger cũng như toàn bộ khu vực Tây Phi".
Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cũng lên án cuộc đảo chính. Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố có thể can thiệp quân sự nếu ông Bazoum không được phục hồi chức vụ.
Theo Politico, một sự thay đổi chế độ ở Niger có thể là đòn giáng mạnh vào phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Pháp - 2 quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Niger.
Ngoài việc được quảng bá là một câu chuyện thành công về dân chủ ở châu Phi, Niger còn là một đồng minh quan trọng ở Tây Phi của Washington và Paris trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Quốc gia Tây Phi được xem là "một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ", chống lại các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Boko Haram, đồng thời cũng là một trong những quốc gia Tây Phi không đẩy mạnh hợp tác với Nga để gây bất lợi cho phương Tây.
Theo hãng tin CNN, có khoảng 1.100 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Niger. Washington còn có một căn cứ máy bay không người lái (UAV) khổng lồ hỗ trợ quân đội Niger chống quân nổi dậy liên kết với IS và al-Qaeda.
Quân đội Pháp cũng duy trì 2 căn cứ thường trực ở vùng Sahel của châu Phi, một trong số đó nằm ở thủ đô Niamey của Niger.
Sự phẫn nộ, chống đối Pháp
Nhiều người dân Niger không có thiện cảm với Pháp. Ảnh: AP
Theo CNN, dù giàu tài nguyên, Niger vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhiều người Niger, đặc biệt là thế hệ trẻ, cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về tình trạng đó.
"Chúng tôi biểu tình để nói với ông Macron rằng Niger thuộc về chúng tôi. Chúng tôi sẽ tự quyết làm gì với đất nước mình và hợp tác với ai", Maman Sani, một người biểu tình ủng hộ đảo chính, nói với phóng viên hãng CNN.
Oluwole Ojewale, một nhà phân tích làm việc tại Viện Nghiên cứu An ninh (châu Phi), cho rằng, thái độ trên đã tạo ra một ác cảm với nước Pháp ở Tây và Trung Phi.
"Có cảm giác rằng dù Pháp đã trao trả độc lập cho Niger nhưng quốc gia Tây Phi vẫn chưa thoát khỏi sự chi phối của Paris", ông Ojewale nói.
Theo trang Canadian Dimension, trong phần lớn thế kỷ 20, Pháp đã kiểm soát thuộc địa một cách tàn bạo với phần lớn khu vực Tây Phi, bao gồm Mali, Burkina Faso và Niger ngày nay, khiến các quốc gia này không thể phát triển kinh tế.
Trong khi nhiều nước châu Âu trao trả cho các nước Tây Phi quyền kiểm soát đất nước vào thập niên 60 và 70, Pháp tiếp tục kiểm soát, quản lý tiền tệ, ngân sách, cũng như để quân đồn trú ở các nước nước thuộc địa cũ này. Vì vậy, dù giành được độc lập, các quốc gia Tây Phi vẫn bị kiểm soát bởi mối quan hệ được gọi với cái tên Françafrique (ghép hai từ France và Afrique), theo trang Canadian Dimension.
Françafrique đơn thuần là chỉ một thực tế: Các mối quan hệ mờ ám giữa giới chức chính trị và các tập đoàn kinh tế Pháp với giới cầm quyền ở châu Phi. Trong mối quan hệ đó, giới tài phiệt kinh tế - quân sự Pháp thao túng, kích động chính quyền để đáp ứng lợi ích của mình. Françafrique bị chỉ trích vì duy trì các đặc điểm của chủ nghĩa thực dân mới - chỉ việc sử dụng chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và các công cụ văn hóa để kiểm soát một quốc gia (thường là thuộc địa cũ) thay vì kiểm soát quân sự hoặc chính trị.
Theo trang Canadian Dimension, Niger là một trong những nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới. Hầu hết nguồn cung uranium ở quốc gia Tây Phi này do Orano, một công ty thuộc sở hữu của Pháp, khai thác.
Trong gần 50 năm, Orano đã khai thác uranium của Niger để cung cấp cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của Pháp, trong khi lợi nhuận mang lại cho Niger rất ít.
Một mỏ uranium ở Niger. Ảnh: Getty
Trong thập kỷ qua, tỷ lệ uranium được khai thác ở Niger tăng đáng kể. Trong giai đoạn 2012 - 2018, uranium từ Niger chiếm trung bình 16,7% nguồn cung uranium của Pháp. Trong giai đoạn 2019 - 2022, con số này là 28,3%. Ngoài ra, 1/5 nguồn cung uranium của EU tới từ Niger. Năm 2021, Niger là nhà cung cấp uranium hàng đầu cho EU.
Lợi nhuận từ xuất khẩu uranium đáng lẽ có thể giúp xóa đói giảm nghèo ở Niger. Nhưng trong nhiều thập kỷ, chính phủ Pháp đã duy trì một hệ thống kiểm soát chính trị và kinh tế phản dân chủ, cho phép các công ty Pháp gửi uranium về nước và thu về hàng tỷ USD doanh thu. Năm 2018, uranium chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Niger nhưng chỉ chiếm 5% GDP.
"Điều đáng chú ý là, ở Pháp, cứ 3 bóng đèn thì có một bóng được thắp sáng nhờ uranium của Niger. Nhưng tại Niger, gần 90% dân số sống trong cảnh tối tăm vì không có điện. Phần lớn người dân Niger không biết uranium tồn tại ở đất nước mình và 99% người dân không bao giờ nhận được lợi ích nào từ nguồn tài nguyên này. Chúng ta không thể để sự bất bình đẳng đó tiếp diễn", Ali Idrissa, một nhà hoạt động Niger, nói.
Theo Canadian Dimension, thực tế cho thấy, trong khi các công ty thuộc sở hữu của Pháp thu về hàng tỷ USD thì phần lớn người dân Niger vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Vì vậy, việc sinh ra ác cảm với Pháp là hệ quả tất yếu.
Khi người Pháp vẫn tiếp tục khai thác uranium ở Niger, việc chính quyền dân sự của ông Bazoum bị lật đổ đặt ra các thách thức mới cho Paris nói riêng và châu Âu nói chung.
Lĩnh vực uranium của Nga chưa bị EU đưa vào danh sách trừng phạt và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Niger về tài nguyên thiên nhiên sẽ tạo ra một đòn bẩy khác có lợi cho Moscow trong cuộc chiến kinh tế với EU, theo Politico.
Một chuyên gia năng lượng ở Viện Jacques Delors (Pháp) cho rằng, căng thẳng chính trị ở Niger có thể khiến EU không muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong lĩnh vực hạt nhân (uranium).
Vì vậy, thông tin cho rằng Niger có kế hoạch đình chỉ xuất khẩu uranium sang Pháp có thể gây tác động toàn cầu. Nó thể hiện sự bác bỏ chủ nghĩa thực dân mới ở Niger, đồng thời cản trở cuộc chiến kinh tế của EU (trong đó có Pháp) với Nga.
Hoạt động của căn cứ Mỹ 100 triệu USD bị đe dọa, ẩn số Wagner
Căn cứ Không quân 201 ở Niger. Ảnh: AP
Ngoài 1.100 binh sĩ đồn trú ở Niger, quân đội Mỹ còn thiết lập và vận hành một căn cứ UAV khổng lồ ở quốc gia Tây Phi này.
Được gọi với cái tên "Căn cứ Không quân 201", căn cứ này là trung tâm của các hoạt động quân sự Mỹ ở Niger. Căn cứ khổng lồ này có chi phí xây dựng là 110 triệu USD và có đường băng dài 1,8km cho các UAV. Nó được dùng để phục vụ hoạt động giám sát ở Tây và Bắc Phi.
Kể từ khi đảo chính xảy ra, quân đội Mỹ đã không thể tùy ý sử dụng căn cứ này. Jocelyn Trainer - làm việc tại Trung tâm Tân An ninh Mỹ, một tổ chức tư vấn về công nghiệp vũ khí ở Washington - đã phàn nàn về việc quân đội Mỹ không thể hoạt động ở căn cứ 110 triệu USD. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, máy bay quân sự Mỹ, bao gồm UAV, mỗi khi cất cánh đều phải được chính quyền quân sự Niger chấp thuận.
Mô tả về khả năng mất căn cứ là "một điều bất lợi với nỗ lực chung của Mỹ và châu Phi nhằm đối phó với các nhóm cực đoan bạo lực", Trainer cho rằng: "Sự mất mát đó của Washington đến vào thời điểm Paris cũng bị giảm bớt tầm ảnh hưởng ở khu vực Tây Phi. Việc các lực lượng Mỹ và Pháp giảm hiện diện ở Niger tạo điều kiện cho tập đoàn lính đánh thuê Wagner hoặc các tổ chức tương tự khác tạo ảnh hưởng ở đây".
Ngày 6/8, hãng AP của Mỹ đưa tin, Salifou Mody, một tướng cấp cao của phe đảo chính Niger, tới nước láng giềng Mali, nơi ông này được cho là đã gặp đại diện của tập đoàn Wagner. Lính đánh thuê Wagner đã hợp tác với chính quyền quân sự Mali từ năm 2021. Có khoảng 1.000 tay súng Wagner đang ở quốc gia này, nơi các phiến quân thánh chiến kiểm soát những vùng rộng lớn ở phía bắc.
Người ủng hộ đảo chính treo cờ Niger và cờ Nga khi tham gia biểu tình ở thủ đô Niamey, Niger. Ảnh: Flickr
Theo Guardian, người dân Niger có cái nhìn tích cực về sự hiện diện của Wagner ở Mali. Họ không ngần ngại tán dương những ưu điểm trong mối quan hệ của Wagner với quân đội Mali. Vì vậy, khả năng chính quyền quân sự Niger hợp tác với Wagner được nhiều người dân ủng hộ và rất dễ xảy ra.
Hãng Reuters ngày 10/8 dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng, nếu chỉ có vài chục tay súng Wagner đồn trú ở thủ đô Niamey của Niger thì sẽ khó có thể ảnh hưởng đến sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia Tây Phi này. Nhưng nếu có hàng nghìn tay súng Wagner phân bố ở khắp Niger, trong đó có cả các địa điểm gần căn cứ Mỹ ở Niger, vấn đề có thể nảy sinh do lo ngại về an toàn của nhân lực Mỹ.
Theo trang Canadian Dimension, Washington vẫn trì hoãn việc coi vụ quân đội tiếp quản quyền lực ở Niger là một cuộc đảo chính. Bởi nếu làm ngược lại, Mỹ sẽ phải cắt viện trợ kinh tế cho Niger - một đồng minh chủ chốt của Washington trong khu vực đầy bất ổn.
Ngoài ra, nếu Washington coi cuộc binh biến ở Niger là đảo chính, mối quan hệ song phương sẽ xấu đi. Đây là điều mà Nhà Trắng lo ngại vì tầm quan trọng chiến lược của Niger ở Tây Phi. Kể từ các cuộc đảo chính ở Mali (2020), Guinea (2021) và Burkina Faso (2022), Niger đã trở thành trung tâm hoạt động quân sự của Mỹ và Pháp ở Tây Phi.
Chính quyền của ông Biden dường như đang có bước đi thận trọng, lên án việc quân đội Niger chiếm quyền nhưng không gọi đó là đảo chính nhằm duy trì ảnh hưởng của Washington, vốn suy yếu ở Niger.
Đồng thời, các quan chức Mỹ công khai gây sức ép buộc quân đội Niger phải khôi phục chính quyền dân sự và chức vụ cho ông Bazoum.
Tóm lại, cuộc đảo chính ở Niger đe dọa lợi ích của các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ. Trước mắt, Niger sẽ tạm dừng hợp tác quân sự với Pháp và có thể là một số nước phương Tây khác, trong khi kiểm soát các hoạt động ở căn cứ quân sự Mỹ tại nước này. Những điều này làm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, Pháp và một số nước phương Tây ở khu vực Tây Phi.
Về lâu dài, nguồn cung năng lượng của châu Âu có thể bị ảnh hưởng khi chính quyền quân sự Niger muốn kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở nước này.
Chính phủ Mali, Guinea và Burkina Faso đã công bố "quan hệ đối tác 3 bên", để tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự. Họ thậm chí còn thảo luận về ý tưởng hợp thành một liên đoàn thống nhất. Niger được cho là sẽ đàm phán hợp tác với 3 quốc gia này. Theo Owen Schalk, học giả Canada, sự hợp tác kinh tế và quân sự ngày càng sâu sắc của các quốc gia này, cùng với sự hỗ trợ của Nga, sẽ khiến các chính phủ phương Tây bị "ra rìa" ở khu vực Tây Phi.
-----------------------
Trong 3 năm trở lại đây, khu vực Tây Phi rúng động vì các vụ đảo chính quân sự liên tiếp ở Mali, Guinea, Burkina Faso và mới nhất là Niger. Các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp trong khu vực khiến nhiều người thắc mắc vì sao lại là các quốc gia này và vì sao các cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn như vậy? Để giải đáp thắc mắc này, mời độc giả đón đọc bài tiếp theo, đăng lúc 11h ngày 13/8.
Nguyễn Thái - (t/h)