Sau thời gian dài khiến khán giả tò mò và chờ đợi, bộ phim điện ảnh Thành phố ngủ gật (tựa tiếng Anh: Drowsy City) của đạo diễn Lương Đình Dũng chính thức được công chiếu từ ngày 13/10.
Trailer phim "Thành phố ngủ gật"
Sau khi vượt qua vòng kiểm duyệt, phim được gắn nhãn C18. Phim thuộc một thể loại lạ của điện ảnh Việt khi không chỉ thuộc chủ đề tâm lý, giật gân, mà còn mang lại nhiều ám ảnh về kiếp người. Có những biến chuyển trong suy nghĩ, hành động của nhân vật nam chính.
Từ một chàng trai chỉ biết đến công việc vặt lông gà, Tảo (Quốc Toàn) dần bị đánh thức về bản năng của một người đàn ông khi nhìn trộm qua khe cửa sổ cảnh cô gái làm nghề mại dâm bị gã nghiện lạm dụng. Những đau đớn khi bị hành hạ của Tảo dần khiến anh trở nên đen tối trong ánh mắt, hành động. Trước đó, phim đã khiến khán giả và ban giám khảo quốc tế “sốc” vì mức độ chân thật rùng rợn và ám ảnh trong tâm trí người xem.
Nhân dịp phim ra mắt tại Hà Nội, đạo diễn Lương Đình Dũng đã có những chia sẻ cởi mở về quá trình “thai nghén” nên bộ phim điện ảnh được miêu tả ngay trong trailer - “Bộ phim kỳ lạ và đen tối của Việt Nam”.
Đạo diễn Lương Đình Dũng (trái) và nam diễn viên chính Quốc Toàn.
- Anh nói gì về nhân vật nam chính dễ khiến người xem nghĩ đến việc anh ta mắc chứng bệnh nào đó về tâm lý?
- Tôi chỉ muốn đưa ra rằng sự trả thù rất kinh khủng, đó là một tấm gương phản chiếu mà mọi người không nên chạm vào. Con người vượt lên điều đó rồi sẽ không có gì ngăn cản nổi. Tôi khẳng định nhân vật nam chính trong phim là một người bình thường, có công việc, bị biến đổi tâm lý vì sự va chạm, bị chèn ép, đôi khi là do cái mùi nơi cậu ta ở.
- Phim có những cảnh nóng, liệu anh có phải cắt bỏ nhiều trước khi phim ra rạp?
- Phim có chỉnh sửa trước khi được ra mắt. Tôi phải nói rằng Cục Điện ảnh khá ủng hộ cho phim Việt và rất cởi mở. Nhưng cái gì đã là luật thì phải tuân theo luật.
Phim này tôi dựng khoảng 20 bản trước khi ra bản cuối cùng. Phim đầu tay tôi thừa tới hơn 20 phút nhưng phim này chỉ thừa khoảng hơn 1 phút. Phim chỉ bị cắt ít, còn lại 73 phút khi ra rạp. Tính tôi cẩn thận, việc dựng phim cũng khá lâu. Ê-kíp làm hậu kỳ bên Hàn Quốc, có những khâu gần như họ ủng hộ. Mặc dù có 5 nhân vật chính nhưng để hoàn thành bộ phim là ê-kíp lên tới cả trăm người.
Việc để “Thành phố ngủ gật” ra rạp là một áp lực của Cục Điện ảnh. Nhưng đây là một sự ủng hộ đáng trân trọng đối với phim Việt Nam. Bản thân phim này ở một số nước họ không chiếu. Đó là sự thật.
Kết thúc tại liên hoan phim, người trao giải có nói thẳng rằng nếu để nguyên sẽ không trao giải dù bất cứ lý do gì. Vì thế kết phim, tôi đã đưa vào dòng chữ giống như việc thông báo những con gà không bị chết.
"Thành phố ngủ gật" được giới thiệu ngay trong trailer là “Bộ phim kỳ lạ và đen tối của Việt Nam”.
- Phim có những cảnh nóng, vậy anh có phải mất thời gian thuyết phục các diễn viên?
- Tôi sẽ nói thẳng: “Cảnh quay như thế và anh sẽ làm tới đây thôi”. Và tôi nói tới đâu là làm tới đấy. Nếu bạn ấy đồng ý thì mới làm. Tôi nói vậy thôi nhưng biết giữ ý khi quay.
Hay như quay phim cùng diễn viên nhí, tôi sẽ chỉ quay phim trong những giờ quy định, có những khi tôi không cho mọi người chăm sóc đâu mà phải tự tôi. Như trong phim “Cha cõng con”, 5 diễn viên nhí đó phải do tôi chăm, nhiều khi có cảnh sao nhí lội qua sông, tôi phải tự cõng. Với diễn viên người lớn, tôi đưa ra tính kỷ luật rất cao. Khi làm phim với tôi, diễn viên phải tuân theo bản quy định của tôi.
- Có nhiều phim Việt đoạt giải ở LHP Quốc tế nhưng khi về chiếu ở Việt Nam vẫn bị khán giả trong nước “ghẻ lạnh”. Anh có chuẩn bị trước tâm lý nếu điều đó xảy ra với phim của mình?
- Điều mong muốn của một người đạo diễn không phải là làm phim để dạy dỗ ai. Trong cuộc đời làm phim của mình, tôi mong muốn 3 điều. 1 là muốn kể các câu chuyện Việt Nam một cách đầy đủ. 2 là muốn thể hiện tâm tư suy nghĩ cá nhân. 3 là tôi luôn đứng về phía nhân vật yếu hơn.
Vô hình trung trở thành một định hình khi nói phim nghệ thuật Việt Nam kén người xem. Đôi lúc người ta cứ nghĩ phim nghệ thuật khó xem, thành ra lại tạo nên hành lang. Khi đi vào khu ổ chuột, người làm phim vẫn nhìn thấy các góc đẹp, đấy là nghệ thuật giúp chúng ta nhìn ra điều đó.
Lương Đình Dũng chia sẻ anh sẽ nói thẳng với diễn viên về những cảnh nóng, bạo lực trong phim, đồng ý mới quay.
- Anh nói gì về hành trình phim đã được ra mắt khán giả Việt?
- Bộ phim này là một cung đường cũng đã lâu. Từ ngày nam diễn viên Quốc Toàn chưa có vợ mà giờ đã có gia đình. Phim muốn nói lên sự cô đơn của con người. Ở cảnh kết, nếu chỉ cần chú ý một chút, người xem sẽ thấy nam chính mặc áo sơ mi trắng, nằm trong cái bồn.
Rồi trong phim sẽ có những cảnh khiến người ta thấy ám ảnh. Hay như chi tiết sau khi Toản (tên nhân vật nam chính) rình cô gái, chàng trai lần đầu tiên va chạm, khi trở về Toản giội nước vào bát tiết gà. Nó thể hiện sự ham muốn rất đàn ông nhưng đổi tính. Nó chuyển hóa tâm lý của Toản. Nhiều người hỏi sao trong phim có nhiều cảnh mưa to như vậy. Con người phải cần những cơn mưa như vậy mới làm mát được tâm hồn, làm người ta thấy thay đổi.
Phương pháp tôi làm với các bạn diễn viên trong phim nhiều khi mình phải truyền cảm hứng. Thôi miên thì mình… chưa đủ trình. Nhưng tôi bắt Quốc Toàn ngồi cạnh ở những chỗ rất bẩn, bắt cậu ấy nghe nhạc để sống mộng mị trong bộ phim. Nếu không, Quốc Toàn sẽ không diễn cho ra được. Tôi thích sự diễn ngô nghê ấy.
Quốc Toàn là một diễn viên chuyên nghiệp. Nhưng muốn biến Toàn thành ngô nghê cũng phải lừa đấy.
Phim có nhiều cảnh mưa, đều là dụng ý nghệ thuật của tác giả.
- Làm phim mà khi ra rạp, các tác phẩm không đạt doanh thu như kỳ vọng, thậm chí lỗ nhưng anh vẫn hăng say làm tiếp. Điều gì thôi thúc anh?
- Tôi nghĩ tôi không lỗ đâu. Với tôi, phía sau việc làm nghệ thuật, tôi là một người khá năng động. Tôi không bao giờ dừng việc lao động đó. Như “578: Phát đạn của kẻ điên”, tôi vẫn có cách để đưa tác phẩm này vào thị trường Ấn Độ. Thông thường phim nước ngoài vào được Ấn Độ rất khó.
Đến bây giờ, tôi nghĩ phim này hòa vốn, hoặc có thể đã có lãi. Chúng tôi có ký một thỏa thuận trong vòng 4 đến 5 năm khai thác ở Châu Âu, ký với 70 nước phát hành. Giống như việc phải đặt cọc tiền, họ phải trả cho tôi một khoản cho thỏa thuận khai thác đó.
Đã làm phim, đến các hãng lớn trên thế giới cũng không thể tính được. Với tôi, khi làm hết sức thì những điều tốt đẹp sẽ đến với mình.
- Cám ơn anh về những chia sẻ!
Quỳnh An