Gần một thập kỷ kể từ khi Ngân hàng Trung ương đặt mục tiêu đạt được lạm phát ở mức 2%, Nhật Bản cuối cùng đã đạt được mục tiêu của mình vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, thay vì vui mừng, cột mốc này lại gây quan ngại về tác động của chi phí năng lượng và nguyên liệu cao đối với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Khi ông Haruhiko Kuroda nhậm chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương (BoJ) hồi tháng 4/2013, ông đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản lên 2% "trong khoảng hai năm", đất nước bắt đầu thực hiện chính sách "giai đoạn nới lỏng mới" với một lượng lớn tiền được bơm vào thị trường.
Đạt được mục tiêu lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi trên toàn quốc (CPI lõi) của Nhật Bản, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống biến động nhưng có bao gồm chi phí năng lượng, đã tăng 2,1% trong tháng 4 so với một năm trước đó và là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Nguyên nhân do giá hàng hóa cao hơn và đồng Yên yếu đã giúp lạm phát vượt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương đề ra.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC), chỉ số CPI cốt lõi đã ở mức trên 2% vào tháng 3/2015, sau khi tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%. Nếu loại trừ tác động của việc tăng thuế, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2008 lạm phát Nhật Bản đạt trên 2%.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lần đầu đặt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2013, với kỳ vọng tạo ra một chu kỳ hợp lý là lương cao hơn, đầu tư doanh nghiệp nhiều hơn và chi tiêu tiêu dùng tăng lên. Tuy nhiên, ngân hàng cho rằng tình huống hiện tại là lạm phát do chi phí đẩy, nguyên nhân bắt nguồn từ chi phí năng lượng, thực phẩm, kim loại và các hàng hóa khác tăng cao.
Các nhà hoạch định chính sách đã phân biệt sự khác biệt giữa tình hình của Nhật Bản với Mỹ. Tại Mỹ, nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã thúc đẩy lạm phát trên 8% và kích hoạt các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Tại Nhật Bản, nền kinh tế đã suy giảm nhẹ trong quý đầu tiên của năm nay và Ngân hàng Trung ương cho biết không có kế hoạch nâng lãi suất.
Nguyên nhân tăng giá
Các công ty Nhật Bản tăng giá không phải vì người tiêu dùng háo hức mua sản phẩm và sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn, mà vì công ty cho rằng giá nguyên liệu khiến họ không còn lựa chọn nào khác.
Trong tuần này, đơn vị nước giải khát của tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng đa quốc gia đến từ Nhật Bản Suntory Holdings Ltd cho biết họ có kế hoạch tăng giá hơn một nửa các sản phẩm bao gồm nước đóng chai và cà phê đóng hộp bắt đầu từ tháng 10. Giá sẽ tăng từ 6% đến 20%.
Đại diện tập đoàn Suntory cho biết: “Chi phí sản xuất đang trở nên trầm trọng hơn đáng kể do giá nguyên liệu thô tăng cao", đồng thời trích dẫn sự sụt giảm gần đây của đồng Yên và chi phí tái chế nhựa cao hơn.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố mới đây cho thấy chi phí mà các tập đoàn trả cho vật liệu và hàng hóa như thép và dầu trong tháng 4 đã tăng 10% so với một năm trước đó, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1981 khi có dữ liệu so sánh.
Bộ phận bán hàng của hãng sản xuất máy in Seiko Epson Corp cho biết hôm 20/5 rằng sẽ tăng giá máy in, máy quét, mực in và các sản phẩm khác ở Nhật Bản lên 12%, nguyên nhân do chi phí nguyên liệu và vận chuyển cao hơn.
Bất chấp những động thái như vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách giữ lãi suất gần bằng 0 bởi họ cho rằng mức lạm phát trên mục tiêu 2% của ngân hàng là khó có thể kéo dài.
Một số nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng có thể cảm thấy mức tăng lương là không đủ để chi trả cho mức giá cao hơn. Bà Nobuko Kobayashi, chuyên gia ngành tiêu dùng tại hãng tư vấn Ernst & Young, cho biết: “Cách sử dụng lao động cứng nhắc ở Nhật Bản đồng nghĩa rằng ít sự dịch chuyển lao động và do đó ít có khả năng tăng lương, điều này cũng làm giảm khả năng lạm phát”; “Nhật Bản có khả năng vẫn giảm phát, ít tăng giá và tăng lương hơn so với các nước phương Tây”.
Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng lương khoảng 1% hoặc thậm chí ít hơn trong năm qua, trong khi đó tiền lương thực tế - được điều chỉnh theo lạm phát - đã giảm lần đầu tiên trong ba tháng vào tháng 3, theo dữ liệu của Bộ Lao động.
Triển vọng
Trong một bài phát biểu ngày 13/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhận định nước này đang phục hồi hậu đại dịch Covid-19 chậm hơn so với Mỹ và châu Âu. Ông cho biết việc tăng giá là do chi phí năng lượng và thiếu tính bền vững, dự báo lạm phát không tăng mạnh trong trung và dài hạn.
Ông Kuroda nói: “Vai trò của chính sách tiền tệ trong những trường hợp này là hỗ trợ vững chắc sự phục hồi của tổng cầu bằng cách cung cấp các điều kiện tài chính phù hợp”. Ngân hàng Trung ương dự báo lạm phát cốt lõi có thể sẽ giảm xuống khoảng 1% trong những năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 và tháng 3/2025.
Chuyên gia kinh tế Yuka Mera của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan bày tỏ tin tưởng lạm phát sẽ giảm tốc vào năm 2023. Bà cảnh báo đợt tăng giá gần đây có thể thay đổi tâm lý người tiêu dùng Nhật Bản.
Phạm Hà Thanh (theo WSJ, Kyodo News)