Sau khi Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã ghi nhận những chia sẻ của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định)với niềm tin và kỳ vọng vào người đứng đầu mới của Chính phủ.
Mong Thủ tướng luôn vì hạnh phúc nhân dân
PV: Thủ tướng Chính phủ là chức danh chủ chốt thứ 3 của Nhà nước được Quốc hội bầu mới tại kỳ họp lần này (trước đó, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội ngày 31/3, bầu Chủ tịch nước sáng 5/4). Cảm xúc của bà khi bỏ lá phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thế nào?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Cũng như các đại biểu Quốc hội khóa XIV, tôi cảm thấy vinh dự khi được trực tiếp ghi lá phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phạm Minh Chính trong phiên họp chiều nay.
Chúng tôi đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng dành cho Thủ tướng mới, một người mà đã trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó có vị trí gắn liền với hoạt động thực tiễn ở địa phương (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh), có vị trí gắn với việc hoạch định đường lối, chiến lược về công tác cán bộ và tổ chức bộ máy ở tầm quốc gia (Trưởng ban Tổ chức Trung ương).
PV: Theo bà, điều quan trọng nhất của người đứng đầu Chính phủ để có một nhiệm kỳ thành công là gì?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Với những điều tôi đã nói ở trên, cộng thêm tính cách quyết đoán, quyết liệt như đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tôi tin tưởng rằng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng với Chính phủ sẽ có nhiệm kỳ mới thành công.
Tôi cũng mong chờ và tin tưởng ở Thủ tướng mới có một tinh thần làm việc vì dân, gần dân, lắng nghe tâm tư của người dân để đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của họ, từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn, tất cả không ngoài mục đích xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và người dân được hưởng hạnh phúc.
PV: Với tư cách là ĐBQH đã theo sát và giám sát các hoạt động của Chính phủ suốt nhiệm kỳ vừa qua, bà thấy đâu sẽ là những việc mà người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính nói riêng và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới cần dành sự quan tâm ưu tiên?
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa: Đồng hành cùng Chính phủ, tôi mong, Thủ tướng khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới cần quan tâm một số vấn đề đang đặt ra.
Cụ thể, cần xác định và có giải pháp cụ thể để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, đó là đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 thành công, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Kế thừa những thành quả tốt đẹp, những thành công của nhiệm kỳ trước đã đạt được, tiếp tục khắc phục những tồn tại, yếu kém đã được chỉ ra, đặc biệt những tồn tại, hạn chế có nguyên nhân chủ quan.
Tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn những vấn đề sau: an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia; giữ gìn cuộc sống bình yên của người dân.
Cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự liêm chính, vì dân, sâu sát cơ sở, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và trong đánh giá chất lượng cán bộ cần lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí hàng đầu.
Để đạt khát vọng 2045
PV: Theo bà, để đạt khát vọng 2045 - hướng tới mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao mà đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra - thì đâu sẽ là những điểm chốt mà Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ cần lưu tâm, hành động ngay?
Nghị quyết được Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là những mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng đã đặt ra trọng trách lên vai người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tới.
Theo tôi, Thủ tướng cần quan tâm 3 vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, sớm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện có lộ trình và đồng bộ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 do đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra.
Có biện pháp cụ thể để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội và môi trường; thực hiện tốt các đột phá chiến lược một cách bài bản, thận trọng, có bước đi hợp lý, tránh nóng vội, chủ quan.
Thứ hai, cần coi trọng yếu tố con người trong phát triển. Cần quan tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tịnh thần quyết liệt, nhiệt tình trong công việc, trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn vững vàng, không ngại va chạm, không tham nhũng, lãng phí.
Để làm được việc này cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng và thưởng, phạt nghiêm minh. Với người dân, cần có giải pháp cụ thể để tăng cường sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Giải quyết những điểm “nóng”, những bức xúc của người dân từ sớm và từ cơ sở một cách hợp pháp, hợp lý, hợp tình.
Thứ ba, cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hơn nữa năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, phát huy hơn nữa vai trò của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng.
PV: Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!