Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 là đồ án quy hoạch xây dựng vùng, tiếp nối đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 5/5/2008) với tầm nhìn giữ nguyên tới năm 2050, nhưng thay đổi về thời gian nghiên cứu và phạm vi gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội (đã được mở rộng địa giới hành chính) và chín tỉnh chung quanh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2.
Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Hoàng Anh Công - Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện, đại biểu đoàn Thái Nguyên về những kỳ vọng đối với Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.
NĐT: Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050được phê duyệt theo Quyết định 768, đại biểu nhìn nhận như thế nào về quy hoạch này?
ĐBQH Hoàng Anh Công: Theo Quy hoạch, Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng. Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tôi cũng như nhiều cử tri kỳ vọng Quy hoạch Vùng Thủ đô sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, đảm bảo toàn diện, bền vững.
NĐT: Việc xây dựng đồng bộ hệ thống đường Vành đai (4 và 5) sẽ có tác dụng như thế nào?. Đặc biệt,tại các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên)?
ĐBQH Hoàng Anh Công: Hà Nội với vai trò là đô thị trung tâm nên hệ thống giao thông cần phải thuận tiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các đô thị khác trong vùng.
Việc đầu tư hình thành các tuyến giao thông đường bộ cụ thể là các tuyến vành đai và cao tốc đã góp phần kết nối giao thông, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm.
Đó là các hành lang: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.
Tháng 6/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô. Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.
Trong năm 2022, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để phát triển hệ thống giao thông đường bộ, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ, cao tốc, vành đai (đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3, 3,5; 4; 5).
Theo Quy hoạch chi tiết được phê duyệt năm 2014, Vành đai 5 dài khoảng 331 km (không bao gồm 41 km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3); đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Theo tôi, với việc xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông sẽ đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra đó là: “Đến năm 2030, Thủ đô là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực…”.
NĐT: Theo đại biểu, liên kết vùng sẽ tạo bước ngoặt, lợi thế như thế nào trong việc phát triển Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung trong đó có Thái Nguyên?
ĐBQH Hoàng Anh Công: Rõ ràng khi phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thì việc kết nối giao thương, đi lại sẽ được thuận lợi hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong tỉnh nói riêng và giữa các tỉnh lân cận nói chung. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
NĐT: Là ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, ông có kỳ vọng như thế nào trong việc hoàn thiện các chính sách để Thái Nguyên phát triển ngày càng bền vững, xứng tầm?
ĐBQH Hoàng Anh Công: Tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu: Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Tôi cũng rất kỳ vọng trong quá trình triển khai quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, tỉnh sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… để Thái Nguyên ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm.
NĐT: Xin cảm ơn đại biểu!
Thúc đẩy liên kết, lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 9/1/2023 tại chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết đặt mục tiêu phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước…
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội.