Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình năm 2022.
Tiền số hay tiền mã hoá cần được chú ý hơn
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói rằng, trong quá trình xây dựng dự án luật thì ý kiến của các bộ, ngành, ý kiến của cơ quan liên quan đến dự án luật là rất quan trọng.
Tuy nhiên, trong quá trình các Ủy ban, cơ quan Quốc hội thẩm tra có những văn bản ý kiến của các cơ quan đối với những dự án luật rất quan trọng, có hàng trăm điều luật nhưng ý kiến tham gia thì cũng chỉ dừng lại khoảng ba bốn câu "hoàn toàn nhất trí với dự thảo".
“Tôi cho rằng đây là những vấn đề mặc dù không lớn nhưng cần phải hết sức lưu ý để chúng ta chuẩn bị thật tốt đối với chất lượng của các dự án luật”, ông An nói.
Vị đại biểu đoàn Đồng Nai cũng cho biết, rất nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung thêm nhiều dự án luật quan trọng, gọi là điểm trống nhưng chưa được bố trí vào trong chương trình. Cá nhân ông An cho rằng, nếu đề nghị bổ sung ngày hôm nay, thì phải theo quy trình và hồ sơ phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng thì mới có thể đưa vào được.
Kiến nghị đến Quốc hội, ông An nhắc đến câu chuyện tỉ trọng kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025. Do đó, với những khái niệm như blockchain, tiền ảo, tiền số, hay tiền mã hoá thì cần được chú ý hơn. Dù hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan có liên quan để chúng ta nghiên cứu về vấn đề này.
“Chúng ta nói rất nhiều đến blockchain, đến tiền ảo, đến tiền số, lâu nay chúng ta đã làm quen với lại thuật ngữ này. Tuy nhiên, khung pháp lý cho hệ thống này như thế nào thì chúng ta chưa có”, ĐBQH Trịnh Xuân An nói.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thí điểm về Mobile Money đến hết ngày 18/11/2023, ông An đánh giá đây là một điểm sáng, là gương đi đầu. Tuy nhiên, xuất phát từ vai trò cũng như là tiềm năng của lĩnh vực này, ông An đề nghị cần phải nghiên cứu sớm để có quy định về tài sản ảo, tiền ảo, về tiền mã hóa và tài sản mã hóa.
“Chúng ta có rất nhiều startups rất lớn, có những game của chúng ta hiện nay được quy đổi ra tới khoảng độ 9,7 tỷ USD, nhưng phần lớn là các startups của chúng ta lại thành lập công ty ở Singapore mà không phải ở Việt Nam, vì chúng ta không có khung pháp lý. Tôi đề nghị chúng ta hết sức nghiên cứu về vấn đề này”, đại biểu đoàn Đồng Nai ý kiến.
Kiến nghị sửa thêm các luật liên quan đến thương mại
Cũng thảo luận tại hội trường, ĐBQH Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hoà) nhìn nhận, tình hình kinh doanh và hoạt động thương mại của đất nước và kể cả kinh doanh quốc tế phát triển "gần như hằng ngày hằng giờ". Vấn đề đặt ra chính là nhiều vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.
Tuy nhiên, hiện nay thương mại điện tử điều chỉnh bằng nghị định, thông tư, chưa có sửa đổi luật căn bản trong Luật Thương mại 2005. Cho nên, ông Thân nhận thấy cần thiết phải đặt vấn đề để các cơ quan soạn thảo và bên Chính phủ nghiên cứu sớm bổ sung, sửa đổi, ban hành mới Luật Thương mại 2005.
Tương tự, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 Quốc hội thông qua và có hiệu lực 2011 cho tới đây cũng hơn 10 năm. Với các thể chế giải quyết tranh chấp về tòa án, về trọng tài, về phía Tòa án thì có Bộ luật Tố tụng dân sự đã được xem xét, sửa đổi, bổ sung mới.
Tuy nhiên, ĐBQH Lê Xuân Thân cho rằng, Luật trọng tài thương mại năm 2010 cho tới đây cũng chưa có một cơ chế thoáng, mở và giải quyết tranh chấp thương mại một cách hiệu quả để có thể kêu gọi đầu tư. Qua đó, giúp cho các hoạt động về giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu quả, thông thoáng và công khai, minh bạch.
“Tôi nghĩ rằng nên đặt vấn đề để sửa hai luật này cùng với Luật Giao dịch điện tử và một số các văn bản luật đồng bộ với kinh tế thị trường của đất nước ta”, ông Thân nói.