Rút ngắn thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo nội dung
Ngày 28/7, Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, đánh giá về kỳ họp với PV Người Đưa Tin Pháp luật, nhiều đại biểu chia sẻ kỳ họp đã diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc.
ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam cho biết: "Tôi cho rằng so với kế hoạch ban đầu, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã rút ngắn tới 8 ngày nhưng chất lượng không bị ảnh hưởng. Các đại biểu làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, làm cả ngoài giờ, ngày nghỉ để chất lượng kỳ họp cao nhất. Quyết sách của Quốc hội về chống dịch trong kỳ họp này là rất nhanh nhẹn, chính xác. Quốc hội trao quyền cho Chính phủ là đúng đắn, quyết liệt, kịp thời vì diễn biến của đại dịch nhanh và nguy hiểm, không có nhiều thời gian để trì hoãn".
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho hay: "Về chương trình xây dựng pháp luật, tôi đã có nhiều ý kiến, bản thân tôi cũng đã có ý kiến cần sớm sửa đổi luật Đất đai hiện đang rất vướng vì nó liên quan đến nhiều đại án. Tôi cũng đồng ý rằng tuy cần sớm nhưng đây là một luật lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng nên cần làm kỹ lưỡng, thận trọng. Cần phải thông qua ở 3 kỳ Quốc hội. Nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ phải thông qua một nghị quyết về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong đó đặc biệt là cải cách tư pháp. Chương trình pháp luật cũng phải bám vào nội dung này để làm sao cho phù hợp, để pháp luật đi kịp thực tiễn, nhất là những vẫn đề đang vướng hiện nay trong phát triển kinh tế xã hội".
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre), Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá kỳ họp thứ nhất đã diễn ra thành công. Việc tổ chức kỳ họp an toàn mặc dù tình hình dịch bệnh Covid đang diễn ra rất nghiêm trọng trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, dù rút ngắn thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu và nội dung của kỳ họp.
"Một điều mà tôi đánh giá kỳ họp thành công nữa đó là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn ra nghiêm trọng, Quốc hội đã rất linh động đưa chương trình phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào chương trình của kỳ họp và đã làm thỏa mãn tấm lòng cũng như sự quan tâm của cử tri cả nước đối với hoạt động của Quốc hội”, bà Thuỷ nói.
Đánh giá về việc rút ngắn thời gian kỳ họp, ĐBQH Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho hay do tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp ở một số tỉnh phía Nam và TP. Hà Nội nên QH đã quyết định giảm thời gian kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV.
Đây là quyết định đúng đắn, vì trong số các ĐBQH có nhiều đồng chí là lãnh đạo bộ ngành, địa phương cần tập trung dành thời gian triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid để giảm thiểu ca nhiễm và ca tử vong, để đảm bảo sức khỏe nhân dân là trên hết.
Trong qua trình điều hành, đoàn Chủ tịch cũng có nhiều sáng tạo để làm sao đảm bảo nguyên tắc dân chủ phát huy vai trò của mỗi ĐBQH phát biểu tham gia các nội dung của kỳ họp.
“Trong kỳ họp lần này, Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng, những vấn đề liên quan đến nhân sự cấp cao cũng thực hiện đúng quy định, đảm bảo dân chủ và đạt kết quả về xem xét các báo cáo của Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế xã hội 6 tháng 2021, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, cũng như báo cáo tài chính ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đầu tư công trung hạn - những nội dung sát thực để đảm bảo làm sao Quốc hội ban hành nghị quyết kịp thời nhất đảm bảo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước. Nội dung này được các đại biểu quan tâm phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm kể cả ở tổ và hội trường”, đại biểu Lan nói.
Trong khi đó, đánh giá về kết quả đạt được lớn nhất của kỳ họp lần này, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách (đoàn Thừa-Thiên Huế) cho hay đó chính là công tác nhân sự bầu các chức danh chủ chốt của đất nước.
“Không có nhân sự thì không có người điều hành, chính vì vậy tại cuộc họp lần này có sự tập trung trong sự tín nhiệm giới thiệu các chức danh chủ chốt: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… thành công nữa cũng liên quan liên quan đến con người đó chính là chất lượng các ĐBQH. Công tác nhân sự thành công bước đầu, nếu duy trì được tốc độ này ở các kỳ họp sắp tới chất lượng ban hành các văn bản luật pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội sẽ rất khả thi”, đại biểu Sửu nhấn mạnh.
Quan tâm đến sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước
Theo đại biểu Sửu, việc đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 vào chuỗi nội dung phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 là một chủ trương đúng đắn phù hợp thiết thực và mang tính thời sự.
“Chiến lược phòng, chống dịch bệnh trong đó có chiến lược vắc-xin để tạo thế chủ động trong những tình huống phát sinh ngoài ý muốn được đại biểu hết sức quan tâm. Bất kỳ phát biểu nào của các đại biểu Quốc hội cũng đều gắn với giải pháp cũng như sự mong mỏi về một giải pháp tối ưu trong phòng chống dịch Covid-19 kịp thời”, đại biểu Sửu cho hay.
Còn ĐB Lan cho rằng việc bổ sung vào nội dung của nghị quyết kỳ họp về tăng cường công tác phòng chống, dịch bệnh Covid-19 là hết sức quan trọng, hợp lòng dân, phù hợp với tình hình hiện nay - rất gấp rút, cấn thiết để tháo gỡ khó khăn để tập trung vào phòng chống dịch bệnh đạt kết quả tốt nhất.
Theo bà Lan, trước tình hình đại dịch Covid-19, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về giao nhiệm vụ cho Chính phủ để quyết định những vấn đề nhằm kịp thời thực hiện đáp ứng yêu cầu, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch là hết sức cần thiết và cũng đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai phù hợp tình hình đại dịch.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng đã có quy định, yêu cầu để cho các đại biểu, các đoàn ĐBQH, các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội và Quốc hội có trách nhiệm đối với việc giám sát, đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, trong đó giám sát việc triển khai nội dung tăng cường công tác phòng chống dịch trong nghị quyết của QH khóa XV. “Chúng tôi nghĩ rằng, việc triển khai thực hiện cũng phải bám sát các quy định của pháp luật. Đồng thời, chịu sự giám sát của các cơ quan dân cử theo quy định của luật đảm bảo yêu cầu đáp ứng được tình hình”, đại biểu Lan nhấn mạnh.
Cũng giống như đại biểu Sửu, đại biểu Lan quan tâm đến vấn đề tự chủ vắc-xin phòng Covid-19.
“Việc Chính phủ quan tâm đến tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất vắc-xin trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu tiêm phòng cho người dân là điều hết sức cần thiết. Bởi, đây là điều kiện để chúng ta tự chủ trong thực hiện được kế hoạch mở rộng tiêm phòng vắc-xin cho người dân mà không chờ đợi vào vắc-xin nhập khẩu.
Song song với vắc-xin nhập khẩu thì việc sản xuất vắc-xin trong nước là cần thiết. Tuy nhiên, phải thực hiện theo các bước đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng cũng như yêu cầu về phòng chống dịch bệnh đối với người dân được tốt nhất.
Đồng thời, cần có sự chỉ đạo tạo điều kiện tháo dỡ khó khăn vướng mắc về cơ sở pháp lý, có sự lãnh đạo chỉ đạo để cơ sở sản xuất vắc-xin có thể sản xuất được vắc-xin đạt chất lượng, tăng cường, hoàn thành vắc-xin trong thời gian sớm nhất”, đại biểu Lan bày tỏ.
Không khí thảo luận sôi nổi
Nhận định về chất lượng đại biểu kỳ này, đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) cho rằng, với gần 60% là đại biểu mới, ông Phong cho rằng, qua không khí thảo luận, qua nội dung ý kiến của các đại biểu không chỉ thể hiện trách nhiệm, sự tham gia của các đại biểu, mà thấy rất rõ chất lượng của đại biểu trong nhiệm kỳ này. “Tôi cho rằng, không khí thảo luận và ý kiến của các đại biểu hết sức sôi nổi, trách nhiệm và thể hiện được sự nắm bắt các lĩnh vực kinh tế-xã hội khá sâu sắc”, đại biểu Phong nhấn mạnh.
Còn đại biểu Sửu cho rằng sự bắt nhịp của các ĐBQH mới lần đầu dự họp chứng tỏ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 nhiệm kỳ mới những người lần đầu tham gia thị trường đã được các tổ chức liên quan của đảng của nhà nước lựa chọn sàng lọc khá kĩ so với các nhiệm kỳ trước. Cũng chính các đại biểu có nguyện vọng đứng vào nghị trường để cống hiến sự hiểu biết, trình độ, trách nhiệm của mình cho sự phát triển chung của đất nước, đại diện cho tiếng nói của cử tri.
Đối với ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV cũng có thể gọi là kỳ họp lịch sử trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.
“Đứng trước giai đoạn lịch sử, những quyết sách của Quốc hội đã thích ứng kip thời với bối cảnh, tình hình thách thức đặt ra cho đất nước. Đồng thời, kỳ họp cũng tạo ra những khung khổ pháp lý trước mắt và dài hạn cho cả nhiệm kỳ 5 năm, tạo ra hệ thống cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ quan chấp pháp Quốc hội trong giai đoạn 5 năm. Với tổ chức bộ máy cũng như những quyết sách quan trọng liên quan kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và các chương trình mục tiêu quốc gia, thì chúng tôi tin chắc rằng trong nhiệm kỳ 2021-2025 kinh tế Việt Nam, đất nước, con người cũng sẽ đạt được những kỳ tích mới”, đại biểu Hồng Yến kỳ vọng.
Hoàng Bích – Hoàng Yến