Mua sắm trang thiết bị y tế nên tách rời khỏi hoạt động chuyên môn
Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) bày tỏ, bản thân ông có cơ hội chống dịch ở nhiều địa phương và rút kinh nghiệm chống dịch ở châu Âu, cá nhân ông đề xuất 5 vấn đề về kinh nghiệm phòng, chống dịch.
Thứ nhất, tập trung rà soát lỗ hổng trong những đối tượng nguy cơ cao nếu bị Covid-19 tấn công như người già, người có bệnh nện, phụ nữ có thai,… bảo vệ các cơ sở y tế, viện dưỡng lão để không trở thành ổ dịch, tiêm phủ mũi một cho đại bộ phận dân số.
Thứ hai, triển khai ứng dụng tin học trong phát hiện, theo dõi điều trị Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Theo đại biểu Lân Hiếu, không để riêng một Bộ triển khai trong lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu các app ứng dụng phải có những chuyên gia kinh nghiệm, tâm huyết của công an, quân đội, những người đã và đang tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần thực hiện trên diện rộng.
“Tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” của những phần mềm mang tiếng là phần mềm của Quốc gia trước đây. Rào cản lớn nhất là cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất quy định, quy trình, chưa tường minh dẫn đến hiệu quả còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của cộng nghệ thông tin”, đại biểu Lân Hiếu nói.
Theo cá nhân đại biểu, nên lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở khi triển khai. Đơn giản để người dân nào cũng có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất. Rộng mở thích ứng, tích hợp được tất cả phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai.
Vấn đề thứ ba được đại biểu Lân Hiếu đề xuất là mở cửa phải từ từ, nhất quán, dựa theo khuyến cáo y khoa đã kiểm chứng, không mở cửa cảm tính, không duy trì chế độ “zero Covid-19”; không cách ly đại trà diện rộng, F2, F3. Khi F1 đã âm tính rồi, thì không nên sử dụng danh từ F2, F3, để đi cách ly. Chúng ta không sợ Covid-19 nhưng không chủ quan để dịch lây lan diện rộng.
Theo đại biểu đoàn Bình Định, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định không dùng chiến thuật "Zero Covid" và mở cửa an toàn với ba trụ cột, và bằng chứng là nền kinh tế đã có tăng trưởng, có tia sáng thông qua bằng chứng là những con số thống kê trong tháng 10 vừa qua.
Thứ tư, là chú trọng đầu tư chuyên môn cho hệ thống y tế tuyến quận, huyện, xã phường.
Vấn đề cuối cùng được đại biểu Lân Hiếu nhắc đến đó là: “Khi cầm tấm bằng khen trong tôi luôn luôn có hai cảm xúc trái ngược vui có nhưng phần buồn nhiều hơn. Buồn vì biết bao nhiêu người xứng đáng hơn tôi nhưng chưa được ghi nhận, buồn vì biết rằng sau đó mọi chuyện lại diễn ra như cũ. Những thiệt thòi mà một ngành ai cũng ghi nhận nhưng hết dịch chẳng hề thay đổi”.
Đại biểu Lân Hiếu rất mong khi sau đại dịch không thể nào quên này những chế độ chính sách, bất cập của ngành y sẽ được giải quyết và có hướng thoát ra.
“Một vị lãnh đạo ngành Y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là vướng vào vòng lao lý, khiến chúng ta hết sức đau lòng. Lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, và lỗi quy trình, hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng sao thay đổi lại khó vô cùng”, đại biểu Lân Hiếu trăn trở.
Theo đại biểu Lân Hiếu, một Giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên, không chắc đã nắm vững về quản lý các quy định lắt léo như hiện nay. Vậy nên, rất cần có cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men, tốt nhất là tách rời ra khỏi hoạt động chuyên môn.
“Vừa qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm tôi làm Giám đốc bệnh viện hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời bổ nhiệm một vị Giám đốc khác điều hành chuyên lo về trang thiết bị vật tư. Với mô hình mới này bệnh viện đã hoạt động trơn tru, cho dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách. Đây là ví dụ cho chúng ta thấy những bất cập trong hệ thống, cần được điều chỉnh càng sớm, càng tốt nếu không muốn hậu quả to lớn hơn.
Tôi tin chắc, những gì đội ngũ y tế chúng tôi làm trong thời gian qua, nếu đảm bảo thu nhập để an tâm công tác thì ngành y chúng tôi xin hứa sẽ không thua kém bất kỳ ngành y nào trong khu vực”, đại biểu Lân Hiếu nói.
Lô hàng cứu trợ về cả tháng chưa lấy ra được lỗi do ai?
Phát biểu từ điểm cầu Tp. Hồ Chí Minh, ĐBQH Tô Thị Bích Châu nêu lên những con số đau xót, khi đợt dịch vừa qua tại Tp. Hồ Chí Minh đã khiến hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người tử vong. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và của đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương còn nặng nề tới mức độ nào.
Góp ý vào báo cáo về công tác phòng, chống dịch và Báo cáo của Chính phủ năm 2021 về giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, đại biểu Châu chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức được vai trò của mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi một đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn.
“Không phải khó thì về địa phương; dễ, đúng quy định thì Trung ương làm", đại biểu Châu nói.
Đại biểu Châu lấy dẫn chứng cụ thể liên quan đến lô hàng hơn 22 nghìn lon sữa do kiều bào Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch tại Tp. Hồ Chí Minh. Mặt trận Tổ quốc thành phố đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Trong khi chỉ 2 ngày Cục Thú y trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm trả lời là đề nghị Tp. Hồ Chí Minh hỏi Chính phủ. Cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
“Cục thì làm tròn chức trách, nhiệm vụ, còn lô hàng cứu trợ về cả tháng trời chưa lấy ra được lỗi do ai?”, đại biểu Châu đặt câu hỏi.
Từ đó, nữ đại biểu mong muốn kiến tạo ra một cơ chế hành chính thật sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành, của từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết.
“Không cần phải nhờ vả, quen biết mà vẫn "chạy" được và có lợi, tốt nhất cho người dân”, đại biểu Châu nói.