Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23/5 sắp tới. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội.
Trước thềm bầu cử, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIII và khóa XIV, để ghi nhận một số ý kiến liên quan.
PV: Được biết, ông từng là ĐBQH 2 khóa XIII và XIV, vậy theo ông kinh nghiệm để các ứng cử viên vận động bầu cử là như thế nào?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Muốn được cử tri tín nhiệm, bầu mình là ĐBQH thì yếu tố đầu tiên đó là, khi tiếp xúc cử tri, ứng cử viên phải đưa ra lời lẽ có sức thuyết phục để cử tri có niềm tin, tín nhiệm mình. Ứng cử viên sẽ có lời hứa trước cử tri về tu dưỡng phẩm chất, đạo đức của một ĐBQH.
Thứ hai, cần có lời hứa với cử tri là nếu được tín nhiệm trúng cử ĐBQH thì bản thân sẽ gần gũi, luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, tiếp cận tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Để từ đó, phản ánh được những ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường Quốc hội, đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến Chính phủ và các bộ ngành liên quan những vấn đề mà cử tri nêu. Đặc biệt là những vấn đề nóng như phòng chống tham nhũng, phòng chống các tệ nạn xã hội…
Thứ ba, cần có lời hứa trước cử tri đó là, bản thân phải nắm được tình hình về kinh tế - xã hội trên địa bàn mình được cử tri tín nhiệm. Để từ đó, ứng cử viên đưa ra giải pháp, kiến nghị, kết nối với Chính phủ, các bộ, ban, ngành để có giải pháp ủng hộ cho địa phương đó.
Thứ tư, Quốc hội là cơ quan lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, do đó, ứng cử viên cũng phải hứa rằng, khi được tín nhiệm thì sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH. Đó là thực hiện góp ý, xây dựng các luật, đảm bảo luật đó điều chỉnh được các vấn đề của xã hội. Thực hiện giám sát các vấn đề cử tri kiến nghị, giám sát thông qua các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn… Phải thể hiện được vai trò, trách nhiệm, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Đồng thời, ứng cử viên cần có thêm những lời hứa trên một số lĩnh vực liên quan đến trách nhiệm của ĐBQH đối với cử tri và nhân dân như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, những vấn đề oan sai, chưa được giải quyết đúng thì cần phải giải quyết kịp thời, yêu cầu cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc, làm đúng trách nhiệm, đúng pháp luật.
PV: Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc nhiệm kỳ, ông có ấn tượng sâu sắc gì về Quốc hội trong nhiệm kỳ này?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đối với tôi, ấn tượng nổi bật của Quốc hội khóa XIV là trong mỗi kỳ họp, luôn có sự đổi mới hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của Quốc hội, tạo lập được sự tin tưởng trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Đối với Đại biểu Quốc hội là luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu ý kiến, kiến nghị của cử tri, bám sát thực tiễn, nghiên cứu thẩm định vấn đề để kiến nghị, phản ánh tại nghị trường Quốc hội thẳng thắn, chính trực hợp lòng dân.
Trong cả nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội có sự điều hành ấn tượng tốt, đổi mới hình thức chất vấn, tranh luật, lấy ý kiến Đại biểu, rút ngắn thời gian chất vấn, tạo cơ hội tăng số lượng Đại biểu tham gia nên phản ánh thêm nhiều nội dung kiến nghị của cử tri.
Quốc hội khóa XIV giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ có chất vấn chung tất cả các lĩnh vực mà trước đó đã được chất vấn, đã được trả lời nhưng chưa giải quyết thì tiếp tục được chất vấn chung.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV còn áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp; cung cấp thiết bị điện tử có cài đặt các phần mềm, ứng dụng... Thực hiện tổ chức họp trực tuyến, khắc phục bối cảnh đại dịch Covid-19; tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA), góp phần khẳng định năng lực và nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế…
PV: Đại biểu có thể chia sẻ một số dấu ấn nhiệm kỳ của cá nhân trong 5 năm vừa qua?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là quá trình chứng kiến đất nước có nhiều sự đổi thay lớn. Quốc hội cũng không ngừng phát triển, không ngừng đổi mới, có những thích ứng linh hoạt, phù hợp với xu thế, nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới sự chuyên nghiệp, gần dân, sát dân và vì dân, từng bước phát triển trở thành Quốc hội điện tử.
Đây cũng là thời kỳ Quốc hội chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận với nhiều quyết sách liên quan đến những vấn đề mang tầm chiến lược…
Điều mà tôi tâm đắc nhất là mình đã được tham gia vào quá trình xây dựng và bấm nút thông qua Hiến pháp năm 2013 - bản Hiến pháp với những nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc và ổn định cho việc tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Bản Hiến pháp thể chế hóa sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người.
Đối diện với thực tế cuộc sống sôi động, khi người dân ngày càng có sự hiểu biết về pháp luật, càng phát huy tinh thần xây dựng quê hương thông qua vai trò đại diện của đại biểu dân cử, tôi đã tìm tòi để đổi mới các hình thức thu thập kiến nghị, nguyện vọng cử tri như tiếp xúc cử tri Quảng Bình trên địa bàn tỉnh bạn, tiếp xúc cử tri chuyên đề với nhân chứng lịch sử trong sự kiện chiến tranh; với hội học sinh, sinh viên...
Tôi cũng chỉ đạo để đẩy mạnh hoạt động xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm bớt đơn thư tồn đọng kéo dài, hạn chế oan sai; khẳng định vị thế của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trong tổ chức các hoạt động giám sát và đề xuất kiến nghị những vấn đề nóng như phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiểm soát đầu tư công, mua sắm công, kiểm soát nợ công, kiểm soát các nguồn chi phí đầu tư xây dựng cơ bản... tới các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương.
Nhiều kiến nghị của tôi đã tạo nên những dấu ấn, chuyển biến tích cực, tạo ra tác động lớn đến địa phương, thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin, đại chúng, tác động tới dư luận. Tôi đã thành công khi kiến nghị trả lại tên đường Quốc lộ 12A, kiến nghị nghiên cứu và hoàn thiện sử liệu của sự kiện lịch sử năm 1970 tại địa bàn Lệ Thủy, trả tên Ga Minh Lễ thành Minh Lệ theo nguyện vọng của đông đảo cử tri địa phương...
Trước những bất cập của chính sách pháp luật, tôi đã phát hiện để đề xuất sửa đổi chính sách cho người có công, giải pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống ma túy, mại dâm, xâm hại trẻ em, giải pháp xây dựng nông thôn mới, giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đề xuất biện pháp thực hiện đề án “tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước”, kiến nghị giải pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Tôi đã không ngừng học hỏi, trau dồi để nâng cao trách nhiệm của Đại biểu trong lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
PV: Đại biểu có kỳ vọng gì về Quốc hội khóa XV?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Điều tôi kỳ vọng nhất ở Quốc hội khóa XV sắp tới là tiếp tục phát huy được những điểm mới, điểm sáng tạo, hiệu quả của Quốc hội các khóa trước, đặc biệt là Quốc hội khóa XIV về vấn đề lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước.
Trong cơ cấu của Quốc hội khóa XV là tăng số lượng Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tôi kỳ vọng rằng, khi số lượng Đại biểu chuyên trách tăng lên thì chất lượng các kỳ họp sẽ tăng cao.
Quốc hội khóa XIV đang ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp, mở rộng quan hệ quốc tế. Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch hội đồng Liên nghị viện hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Chúng ta đã tổ chức thành công năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, đăng cai tổ chức thành công diễn đàn Nghị viện châu Á Thái Bình Dương APPF 26… Hy vọng, Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục phát huy những kết quả của Quốc hội khóa XIV, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, đạt được những thành tựu tốt đẹp.
Tôi cũng hy vọng lãnh đạo Quốc hội khóa mới và các ủy ban của Quốc hội luôn luôn quan tâm đến những vấn đề nóng, những vấn đề cử tri đề đạt, giải quyết vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân…
Một điều nữa tôi kỳ vọng đó là, phát huy tinh thần của Quốc hội khóa XIV, tất cả những nội dung gì cử tri quan tâm, đặc biệt là chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội thì truyền hình trực tiếp, để nhân dân theo dõi, nắm bắt, qua đó khẳng định vai trò của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!