Thí sinh kỳ vọng đạt mức điểm khá
Sáng nay (29/2), các thí sinh đã hoàn thành xong bài thi môn Tổ hợp với thời gian làm bài 50 phút mỗi môn.
Nhận xét về bài thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đống Đa cho rằng đề thi đều có trong nội dung sách giáo khoa, không khó để đạt điểm khá.
Thí sinh Ngọc My – Trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa chia sẻ: “Em không ôn quá kỹ nhưng cũng có thể dễ dàng đạt 7 điểm, đề thi phù hợp, phần lớn đều đã được học và không quá kiến thức lạ, đánh đố”.
Cũng có cảm nhận đề thi vừa sức, Hoàng Nam – Trường THPT Đống Đa cho biết: “Do phải thi 3 môn liên tục nên em cảm thấy căng thẳng còn về lượng kiến thức đều không có gì mới, môn Địa lý nếu biết vận dụng tốt Atlat chắc chắn sẽ được trên trung bình”.
Ở chiều ngược lại đối với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, nhiều em cho rằng để không dễ như đã ôn trước đó, bạn Trần Linh – Trường THPT Quang Trung cho biết: “Đề khá khó với em đặc biệt là ở những phần cuối của các môn đều phải biết vận dụng nhiều, em hy vọng sẽ được mức điểm trên trung bình”.
Nhiều môn thi có câu hỏi ứng dụng cao
Nhận định về đề thi môn Lịch sử, trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Hồ Như Hiển – Giáo viên Lịch sử Trường THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hoá) cho biết đề thi Tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2023 gồm 40 câu trắc nghiệm. Nội dung đề thi tập trung vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, có 35 câu thuộc (chiếm 87.5%) nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, sau 1975 có 1 câu.
Năm nay có 4 câu thuộc chương trình lịch sử lớp 11 (chiếm 10%) bao gồm: 2 câu thuộc nội dung lớn của lịch sử Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất; 1 câu về cách mạng tháng Mười Nga năm 1917; 1 câu về Chiến tranh thế giới thứ hai.
“Mức độ phân hóa của đề thi khá rõ ràng từ câu 33, những câu vận dụng cao vào các nội dung yêu cầu phân tích, so sánh, đánh giá, nhận định về các vấn đề lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1919 đến 1975. Trong đó có những câu liên hệ các vấn đề lịch sử với tình hình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
So với đề minh họa, đề chính thức không có thay đổi về cấu trúc thi, các câu mức độ nhận biết và thông hiểu rất cơ bản, tuy nhiên đã có sự phân hóa cao hơn, so với đề thi chính thức năm 2022, đề chính thức năm 2023 đảm bảo phân hóa thí sinh tốt hơn”, thầy Hiển thông tin
Dự đoán phổ điểm trung bình nhiều nhất ở mức 6,5 đến 7,5. Sẽ có nhiều thí sinh đạt trên 9,5 đến 10.
Đối với môn Địa lý, thầy Đàm Thanh Tùng - Giáo viên dạy Địa lý trực tuyến tại AT School cho rằng đề thi đã bám sát theo ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT năm 2023.
“Phạm vi kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình Địa lý 12, các câu hỏi khó tập trung ở Địa lý vùng Kinh tế. Ngoài ra, đề thi có 2 câu thực hành kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu lấy số liệu từ Địa lý 11”, thầy Tùng cho biết.
Thầy giáo cũng cho rằng cách đặt câu, đáp án không có gì đánh đố, đề bắt đầu phân hoá từ câu số 71 trở đi. Các phương án có đỗ nhiễu cao, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức rộng, hiểu rõ bản chất vấn đề. Đặc biệt, câu hỏi về biểu đồ, bảng số liệu có hướng tiếp cận mới, hạn chế tình trạng học “mẹo”.
“Đề thi đã cập nhật một số vấn đề thời sự nổi bật, có tính phân hoá đảm bảo cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển các trường đại học, cao đẳng. Với đề thi này học sinh dễ dàng đạt 7-8 điểm. Để đạt điểm tuyệt đối, các em cần nắm vững kiến thức nền tảng, có tư duy hệ thống, năng lực giải quyết vấn đề”, thầy Đàm Thanh Tùng nhận định.
Nhận định môn Sinh học, thầy Nguyễn Duy Khánh - Giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến Mclass đánh giá cấu trúc của đề thi môn Sinh học năm 2023 vẫn tương tự như năm 2021, 2022 với 4 câu của lớp 11 và 36 câu của lớp 12.
Tuy nhiên, số lượng câu hỏi lý thuyết tăng lên thành 35 câu (chiếm 87,5%), số lượng câu hỏi bài tập là 5 câu (chiếm 12,5%) và có một thực tế, đề thi môn Sinh học gần như chỉ còn một chút kiến thức Toán học lồng ghép vào.
Năm nay đề thi dài hơn nhưng hạn chế tối đa các phép toán cồng kềnh, tăng cường các câu hỏi khai thác bản chất môn Sinh học với kênh hình, bảng biểu, đồ thị và có nhiều câu vận dụng thực tiễn.
Điểm nhấn của sự thay đổi ở đây là các bài tập đã giảm tối đa các phép tính toán, thay vào đó, học sinh phải có sự suy luận dựa trên nền tảng kiến thức môn Sinh học mới có thể làm được.
Hoa Trà - Hữu Thắng