Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT hiện hành, có 6 hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở y tế gồm: Đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp và tự thực hiện.
Tuy nhiên, tại dự thảo, bên cạnh 6 hình thức trên, Bộ Y tế đề xuất thêm 2 hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở y tế gồm: Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Cụ thể, 8 hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở y tế công lập bao gồm:
Thứ nhất, đấu thầu rộng rãi.
Đấu thầu rộng rãi được áp dụng cho tất cả các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, trừ 7 hình thức lựa chọn nhà thầu dưới đây.
Thứ hai, đấu thầu hạn chế.
Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp mua thuốc phải kiểm soát đặc biệt thuộc danh mục do Bộ Y tế ban hành và thuốc có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
Các nhà sản xuất, nhà cung cấp thuốc đã được Bộ Y tế sơ tuyển lựa chọn vào danh sách các nhà sản xuất, nhà cung cấp thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 77 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP được mời tham gia vào quá trình đấu thầu hạn chế nếu có thuốc phù hợp với yêu cầu của gói thầu.
Thứ ba, chỉ định thầu.
Các trường hợp chỉ định thầu: Chỉ định thầu thông thường áp dụng đối với gói thầu mua thuốc có hạn mức không quá 1 tỷ đồng theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật đấu thầu, trường hợp này phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 22 của Luật đấu thầu; Chỉ định thầu rút gọn áp dụng đối với gói thầu thuộc các trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu và Điều 79 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Đối với gói thầu đáp ứng điều kiện chỉ định thầu thuộc các trường hợp quy định bên trên nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và mua sắm trực tiếp thì khuyến khích áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác.
Quy trình chỉ định thầu thông thường thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Quy trình chỉ định thầu rút gọn thực hiện theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt. Trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước, thì thực hiện theo quy định tại Khoản 8 Điều 6 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Thứ tư, chào hàng cạnh tranh.
Các gói thầu được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành hoặc những thuốc thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật, chất lượng thuốc đã được tiêu chuẩn hóa và tương đương về chất lượng; Có dự toán mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.
Hạn mức chào hàng cạnh tranh: Gói thầu có giá trị không quá 5 tỷ đồng đối với chào hàng cạnh tranh thông thường; Gói thầu có giá trị không quá 200 triệu đồng đối với chào hàng cạnh tranh rút gọn.
Quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn thực hiện theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Thứ năm, mua sắm trực tiếp.
Mua sắm trực tiếp được áp dụng trong trường hợp cơ sở y tế cần mua thuốc của gói thầu đã thực hiện trước đó, gói thầu được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây: Nhà thầu đã trúng thầu cung cấp thuốc thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó; Số lượng thuốc áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% số lượng của thuốc cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó; Đơn giá của thuốc thuộc gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của thuốc tương ứng thuộc gói thầu đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời phải phù hợp với giá thuốc trúng thầu được công bố trong vòng 12 tháng trước; Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không được quá 12 tháng.
Trong thời hạn 12 tháng, cơ sở y tế chỉ được mua sắm trực tiếp một lần với mỗi mặt hàng thuộc gói thầu đã ký hợp đồng trước đó, trong trường hợp đặc biệt, cơ sở y tế phải có văn bản trình người có thẩm quyền, người được phân cấp thẩm quyền, hoặc người được ủy quyền quy định tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư này để xem xét, quyết định.
Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, giá theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.
Quy trình mua sắm trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Thứ sáu, tự thực hiện.
Tự thực hiện được áp dụng đối với gói thầu quy định tại Điều 25 Luật đấu thầu khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 61 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Quy trình tự thực hiện áp dụng theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Thứ bảy, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Trường hợp thuốc phát sinh trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân và có dự toán mua sắm không quá 50 triệu đồng thì cơ sở y tế được áp dụng mua sắm theo quy định tại Khoản 19 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị không được chia nhỏ thành các gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng để áp dụng Khoản 19 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các trường hợp khác với quy định tại Khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Thứ tám, lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đấu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Việc lập hồ sơ mời thầu thực hiện theo Mẫu số 7A sử dụng để lập E-HSMT áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và Mẫu số 7B sử dụng để lập E-HSMT áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đấu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Các nội dung liên quan đến việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thực hiện theo quy định của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đấu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Tuệ Minh