Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG vừa tổng kết tình hình kinh doanh tháng 8/2021 với kết quả được đánh giá là khả quan so với cùng ngành khi dịch bùng phát diện rộng, ảnh hưởng lớn đến nhóm ngành công nghiệp dệt may.
Kết thúc tháng 8, Công ty có doanh thu đạt 578 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó hầu hết đến từ thị trường xuất khẩu. Luỹ kế 8 tháng, TNG đạt 3.544 tỷ doanh thu, tăng 16% so với 8 tháng đầu năm ngoái.
Trong bối cảnh các đơn vị cùng ngành khác chịu ảnh hưởng do giá cước tăng, TNG ít bị ảnh hưởng do Công ty tập trung khai thác, tăng tỉ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm) chủ đạo, doanh thu đơn hàng FOB tăng, khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam đẩy mạnh dòng sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt container vẫn khiến các nhãn thời trang lớn ở nước ngoài bị ảnh hưởng, khó thuê tàu và có tác động một phần đến giao hàng của TNG.
Hiện, đơn hàng của TNG vẫn ghi nhận rất tốt do các nhà máy dệt may phía Nam như Đồng Nai, Tp.HCM phần lớn đang phải giảm công suất hoặc đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch.
Điều này dẫn đến xu hướng các đơn vị dệt may ở miền Nam tìm đến đơn vị ở miền Trung và Bắc – những nơi ít bị ảnh hưởng dịch bệnh để đặt hàng gia công. Do đó, các hãng đã chuyển đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may phía Bắc, trong đó có TNG.
Dệt may TNG có địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Thái Nguyên, địa phương có số ca nhiễm ít và kể từ giữa tháng 8/2021 không phát sinh ca mới. Doanh nghiệp cho biết, trong tháng 8 vẫn tuyển dụng thêm gần 600 lao động bổ sung cho các nhà máy mới thành lập, tăng năng lực sản xuất.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu ước đạt 16,2 tỷ USD tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá xuất siêu trong 8 tháng của ngành đạt 9,73 tỷ USD.
Tuy nhiên, mới đây diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 18,7% so với tháng 7/2021 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020.
Đặc biệt hơn, 4 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may, do không ít khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác và sẽ thiếu nhân công do nhiều người lao động đã về quê không dễ quay trở lại ngay.
Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9/2021 khả năng ngành chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 33 - 34 tỷ USD và mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất xa vời.