Cây sanh “Cửu long tranh châu” có giá hàng triệu đô
Cây sanh cổ “Cửu long tranh châu” thuộc quyền sở hữu của ông Bùi Văn Thái (Hà Nội). Dáng cây mô tả chín con rồng đang tranh nhau một viên ngọc. Tác phẩm này lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh Việt Nam chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Sanh cổ "Cửu long tranh châu".
Tác phẩm sanh cổ "Cửu long tranh châu" trồng trong chậu có bộ rễ với chu vi 9,1m, dài 3,7m, ngang 2m và cao 1,9m. Chiều cao bộ rễ là 0,55m. Chiều cao cây là 3,2m. Nếu tính cả chậu, tổng chiều cao lên đến 3,7m. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Châu Á chính thức xác lập đây là “Cây sanh cổ trồng chậu có chu vi bộ rễ lớn nhất” vào năm 2010.
Có nhiều đại gia từng ngỏ ý mua cây sanh này với giá hàng triệu USD nhưng chủ sở hữu cây sanh này không đồng ý.
Siêu cây sanh cổ “Nham thạch bách niên” 460 tỷ đồng
Cây sanh cổ này lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm cây cảnh ở Thanh Hóa năm 2019. Với vóc dáng bề thế, tổng khối lượng khoảng 50 tấn, siêu cây nhanh chóng thu hút mọi ánh nhìn của người tham gia triển lãm.
Chủ nhân cây sanh cổ này là ông Cao Tiến Đoan, trú tại Thanh Hoá. Ông Đoan cho biết, “Nham thạch bách niên” là cây sanh cổ quần thụ, thuộc dòng sanh quê (phát triển rất chậm).
Nham thạch bách niên có giá lên tới 470 tỷ đồng.
Cây có chiều cao hơn 5m tính từ mặt chậu, tán rộng khoảng 6m, bộ rễ gốc khoảng 4m. Với 9 thân vạm vỡ, chắc khỏe tượng trưng cho 9 con rồng, tác phẩm này hội tụ từ một gốc liền, hình thành 81 bông tán tựa tản vân.
Phần thân và gốc cây địa y toàn thân trắng xóa đã chuyển sang màu đồng dạng nham thạch. Đó là minh chứng rõ nét cho thấy tuổi đời hàng trăm năm của cây.
Cây toạ trên một khối đá to, vững chãi, nằm trong một chậu 14m2 được các nghệ nhân chạm trổ với nhiều đường nét hoa văn tinh tế. Với trọng lượng lên đến 50 tấn, để có thể đem tác phẩm “Nham thạch bách niên” đến trưng bày tại triển lãm là một công việc vô cùng khó khăn, tốn rất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, tỉ mỉ.
Đây được coi là "siêu cây" từng khiến giới sinh vật cảnh choáng váng.
“Nham thạch bách niên” được chủ nhân của nó coi như bảo vật của gia đình. Vị chủ nhân từng cho biết, từ ngày có cây, gia đình gặp nhiều may mắn, sức khoẻ dồi dào, công việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc hơn.
Với sự ưu tú về ngoại hình, tuổi thọ, thế cây…“Nham thạch bách niên” được một doanh nhân người Nhật Bản định giá khoảng 20 triệu USD (khoảng 460 tỷ), đây là mức giá chưa từng có khiến giới chơi cây cảnh choáng váng.
Cây sanh Long Chúa được trả bằng 20 ô đất mặt đường lớn
Ông Nguyễn Mạnh Cường, 60 tuổi (TP. Hải Dương), chủ sỡ hữu cây sanh “Long chúa” cho biết, đây là cây sanh già nhất ở làng cây cảnh Việt Nam – xã Nam Điền (huyện Nam Trực, Nam Định).
Ông Cường cho biết ông mua cây sanh cổ cách đây gần 20 năm của một ông Chủ tịch xã Nam Điền. Vào thời điểm đó ông đã phải bỏ ra hơn 8 tỷ đồng mới có thể mua được cây.
Cây sanh Long chúa từng được trả giá ngang với 20 ô đất mặt đường lớn nhưng ông không bán.
“Tôi vừa mua xong, đã có một vị đại gia trả 15 tỷ nhưng tôi không bán. Nếu tính ra, 15 tỷ đồng thời đó ngang với khoảng 20 lô đất mặt đường lớn”, ông Cường nói.
Kể về nguồn gốc của cây, ông Cường cho biết, cây sanh “Long Chúa” này là một trong 3 cây sanh cổ nhất xã Nam Điền nhưng đây là cây đẹp nhất. Trong đó có 2 cây dáng trực, cây của ông dáng “Long”. Hiện hai cây dáng trực đặt tại Tại trụ sở UBND xã Nam Điền.
Độc Long Kim cương từng được trả 22 tỷ đồng
Đây là cây sanh cổ hàng trăm năm tuổi từng thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Quang Hoà (Hoà Taxi), một người chơi cây cảnh có tiếng tại Hưng Yên.
Ông Hòa cho biết, ông mua cây từ một nghệ nhân người Nam Định cách đây gần 20 năm với giá 550 triệu đồng và đặt tên cây là “Độc long kim cương”. Tên này có ý nghĩa là cây độc nhất vô nhị, trên đời chỉ có 1 mà không có 2.
Cây sanh "Độc long Kim cương" có giá cả triệu đô.
Đặc biệt theo quan niệm, dáng của cây mang hình con rồng, biểu tượng cho sự quyền quý, cao sang và thường được đặt để trong cung vua, chúa thời trước.
Sau nhiều năm chăm sóc, tạo tác đến nay giá trị của cây cảnh đã tăng lên nhiều lần. Đã có khách sẵn sàng chi 1 triệu USD để sở hữu "báu vật" sanh cổ nhưng chủ nhân nhất quyết không chuyển nhượng.
Vào năm 2022, ông Hoà đã chia sẻ tác phẩm này cho ông Nguyễn Trọng Trường ở Hải Dương, giá chuyển nhượng không được tiết lộ nhưng nhiều người đồn đoán sẽ cao hơn cả triệu đô.
Hồng Cảnh (tổng hợp)