Dùng keo con voi dán chỗ tiêm silicon bị trào
Ngày 26/1, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc TP.HCM cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân N.D.T., 20 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh bị biến chứng nặng do làm đẹp từ mỹ phẩm trôi nổi.
Đáng nói, cùng nhóm làm đẹp với T., có người bị biến chứng tràn dịch màng phổi gây tử vong.
Theo đó, bệnh nhân đã tiêm dung dịch silicon lỏng không rõ nguồn gốc, khiến gương mặt, môi, má bị cứng đơ "như khối bê tông", ngực, lưng mọc mụn bọc chi chít.
Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết, đã mua silicon lỏng với giá rẻ ngoài chợ và được giới thiệu là “mỡ nhân tạo nhập từ Thái Lan” với tác dụng "làm đẹp thần kỳ, xấu chỗ nào tiêm chỗ ấy".
Khi tiêm không cần ủ tê, chỉ cần dùng cồn bôi lên vùng da cần tiêm và thực hiện bơm silicon vào chỗ muốn đẹp là được. Sau đó, T. rủ hội nhóm và chị em phụ nữ trong xóm ra nhà kho để trải nghiệm loại “thần dược” này, bằng một kim tiêm dùng chung.
Trong quá trình tự tiêm, nếu ai cảm thấy đau nhức, khó chịu sẽ dùng cồn lỏng để bôi sát trùng. Thậm chí, nếu silicon bị trào ra thì sẽ khắc phục bằng “keo con voi” dán lại.
Do tự ý bơm dung dịch trôi nổi vào người, cả nhóm đã phải chịu hậu quả nặng nề. Có người bị biến chứng, hoại tử vùng tiêm silicon, hoại tử ngực. Nguy hiểm hơn, có người tràn phổi và đã tử vong.
Anh T. bị biến chứng sau khi tiêm "silicon Thái" nhưng may mắn được phát hiện và điều trị. Chị L. - người cùng chung nhóm tiêm silicon với anh T. kém may mắn hơn. Chị L. tiêm silicon vào trán khiến trán bị thâm đen, gây đau đớn và da thịt lở loét.
Đáng nói, trường hợp của chị N. (hàng xóm anh T.) đã tử vong ngay sau khi vừa bơm silicon để nâng kích cỡ ngực. Silicon lỏng tràn vào phổi khiến chị không thể thở được và tử vong trên đường đưa tới bệnh viện để cấp cứu.
“Ở chỗ tôi mọi người tiêm silicon lỏng như một thói quen. Người bán nói đó là mỡ nhân tạo nhập khẩu từ Thái Lan. Silicon được đựng trong chai nước suối không có nhãn mác, có màu trắng sóng sánh như dầu ăn và bán "đổ đống" với giá chỉ 1 - 2 triệu/nửa lít.
Silicon được hấp như một loại thức ăn, sau đó lọc qua rây để mịn. "Hên" thì mua được silicon mới, mịn sẽ dễ tiêm mà xui thì trúng silicon để lâu ngày phải... nấu lại”, anh T., cho hay.
Biến chứng theo suốt đời
Theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, mặt bệnh nhân có silicon nổi lợn cợn và lan ra hơn nửa khuôn mặt, nổi mẩn đỏ, mụn chi chít, mưng mủ.
Silicon đóng thành từng khối "cứng như bê tông", ngấm sâu và thẩm thấu từ lớp biểu bì da vào tận mô cơ, gây viêm nặng. Silicon lan rộng gây tê cứng hoàn toàn vùng miệng, khiến môi căng cứng, sưng to, phồng rộp và bị tím tái.
Quá trình bóc tách vô cùng khó khăn vì silicon lỏng, vón cục và hòa lẫn vào mô hoại tử, do đó rất khó phân biệt. Cả ê-kíp phải tỉ mỉ vét sạch từng chút các mảnh silicon công nghiệp dính chặt trong các thớ thịt của bệnh nhân, bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong máu để tránh nguy cơ hoại tử gương mặt.
Sau ca phẫu thuật kéo dài suốt 3 giờ, hiện sức khỏe anh T. đã ổn định và được tiếp tục tiêm truyền kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Bác sĩ Dung cho rằng, những vết sẹo biến chứng sẽ theo đuổi suốt cuộc đời bệnh nhân. Ông cũng vô cùng bức xúc khi một bộ phận kinh doanh hàng hóa làm đẹp trôi nổi, không có lương tâm khiến nhiều bệnh nhân biến chứng.
“Lần phẫu thuật này không phải là lần phẫu thuật cuối cùng, chỉ là tạm thời. Bởi lẽ, biến chứng của silicon sẽ đeo đuổi suốt cuộc đời này của em T.. Những bộ phận cơ thể tiêm silicon sẽ tiếp tục viêm xơ cứng, lồi lõm, méo mó theo năm tháng...
Là bác sĩ phẫu thuật cho hàng ngàn ca bệnh lớn nhỏ, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhưng với tôi, ca tiểu phẫu cho em T. lần này là một cảm xúc lẫn lộn, vừa giận vừa thương, vừa phẫn nỗ vừa cảm thông…”, bác sĩ Dung tâm tư.
BS.CK2 Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1 - bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, thời điểm cuối năm, bệnh viện tiếp nhận hàng loạt trường hợp biến chứng do làm đẹp trôi nổi, như xăm môi hiện đang được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm.
“Dự kiến quá trình điều trị cho bệnh nhân sẽ mất nhiều thời gian và bệnh nhân phải chịu những đau đớn nhất định. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm da, tiếp xúc dị ứng sau làm đẹp có thể kéo dài hàng năm trời và có thể bị tái phát lại nhiều lần.
Đơn cử, có ngày khoa Thẩm mỹ da – bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận 5-6 trường hợp tai biến sau xăm môi, xăm chân mày và không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị dứt điểm.... Khi quyết định làm đẹp chị em hãy đến các cơ sở xăm uy tín, đảm bảo các trang thiết bị và quy trình vô trùng.
Khi có bất thường xảy ra, hãy đến khám ngay tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ để được điều trị kịp thời, tránh những xử lý sai dẫn đến các tổn thương nặng nề hơn, khó hồi phục”, bác sĩ Phượng khuyến cáo.
Cảnh báo chết người mà… không sợ
“Thời điểm cuối năm được xem là thời khắc vàng để làm đẹp. Do đó, rất nhiều người đã lựa chọn các phương pháp làm đẹp “tiện dụng” và “rẻ” này để giải quyết nhu cầu làm đẹp đón Tết. Nhưng thực tế, ít người còn nhớ rằng, năm 1991 cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, bộ Y tế Việt Nam cũng cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể, vì những nguy hiểm mà chất cấm này gây ra”, bác sĩ Tú Dung cho biết thêm.
Không có sản phẩm nào là "mỡ nhân tạo Thái Lan"
Theo bác sĩ Tú Dung, thực chất, không có bất kỳ sản phẩm nào gọi là "mỡ nhân tạo Thái Lan", tất cả chỉ là chiêu trò dụ dỗ khách hàng. Đáng buồn là ngoài kia còn rất nhiều người ham rẻ, bỏ qua quy trình an toàn trong thẩm mỹ, theo đuổi các phương pháp làm đẹp tức thời, không lo sợ biến chứng để rồi nhận hậu quả đáng tiếc.