Doanh nghiệp khốn khó vì "3 cùng", loay hoay tìm "phao cứu sinh"

Doanh nghiệp khốn khó vì "3 cùng", loay hoay tìm "phao cứu sinh"

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 3, 10/08/2021 06:00

Đến nay, nhiều người lao động, người sử dụng lao động đã "ngấm đòn" bởi dịch Covid - 19. Nhiều người đang xem gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ như chiếc "phao".

Chi phí tăng cao vì "3 cùng"

Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống, kinh tế của người dân vô cùng khó khăn, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid, nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập; doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Tonmat cho biết, bên cạnh những tác động tới con người, Covid-19 đã và đang nhanh chóng gây ra những gián đoạn trong kinh doanh, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho nhiều doanh nghiệp. Có thể nói, sau gần 2 năm đương đầu với đại dịch, thời gian từ đầu tháng 5 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp mới thực sự “ngấm”. Mức thu nhập của người lao động giảm rõ rệt, chỉ đủ ăn. Về doanh nghiệp, giá nguyên vật liệu lại tăng cao khiến các doanh nghiệp đều khó khăn, lao động giảm, năng suất giảm, hợp đồng giảm…

“Nói riêng về Tập đoàn Tonmat, quy mô doanh nghiệp trải dài khắp cả nước, thế nhưng vì giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng, việc tiêu thụ sản phẩm đã bị giảm”, ông Trần Văn Sơn cho biết.

Sự kiện - Doanh nghiệp khốn khó vì '3 cùng', loay hoay tìm 'phao cứu sinh'

Ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch Tập đoàn Tonmat

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn Tonmat, đợt giãn cách hồi tháng 6 vừa qua, công ty đã phải thực hiện “3 cùng” – tức là: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Tiếp tục đến nay, cả Chi nhánh Tonmat khu vực miền Nam - tại thành phố Dĩ An, Bình Dương cũng đang thực hiện “3 cùng”. Chính việc này đã gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp vì không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện để lo được cho người lao động; ngoài chi phí lo chỗ ăn ở, lo chi phí xét nghiệm covid-19, bên cạnh đó doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương, chi phí nguyên vật liệu, vận hành máy móc, nhà xưởng…

Ngoài ra, Luật doanh nghiệp hiện tại vẫn còn một số vướng mắc, việc sửa đổi, bổ sung Luật này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Phao" 26 nghìn tỷ

Ông Trần Văn Sơn cho rằng, trước những khó khăn của người lao động cũng như người sử dụng lao động, việc Nhà nước, Chính phủ kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là một việc làm hết sức cần thiết và kịp thời. Đặc biệt là gói hỗ trợ 26.000 tỷ mới đây. Ông Sơn cho rằng đây chính là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Sơn, thực tế, Tập đoàn Tonmat cũng đang được giảm mức lãi suất ngân hàng từ 0,5-1%.

Bản thân là Chủ một Tập đoàn lớn, lo lắng cho đời sống của người lao động, ông Trần Văn Sơn cũng đang chỉ đạo bộ phận hành chính nhanh chóng làm hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động.

Không chỉ doanh nghiệp, ông Vũ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT công ty CP đào tạo - Trường Kinh tế kỹ thuật Bách Khoa Hà Nội cũng gặp khó khăn như bao đơn vị khác. 

Theo chia sẻ của ông Trung, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đa số học sinh đã phải tạm dừng việc đến lớp. Thay vào đó, một số môn được nhà trường tổ chức đào tạo online. Tuy vậy, vẫn có một số môn không thể thực hiện đào tạo online, bắt buộc phải tạm nghỉ. Việc này cũng đã làm ảnh hưởng tới độ học tập của các học viên, đây cũng là điều mà những người làm công tác giáo dục như ông Trung hết sức trăn trở.

Bên cạnh đó, vấn đề về chi phí vận hành doanh nghiệp, chi trả lương cho cán bộ giáo viên cũng khiến người chủ doanh nghiệp đau đầu. “Ngoài việc phải thanh toán đầy đủ 100% tiền cơ sở vật chất, nhà trường vẫn đảm bảo việc chi trả lương cho cán bộ công, nhân viên, giáo viên. Những ngày cán bộ đi làm thì được hưởng 100% lương, không đi làm thì được 50%”, ông Trung cho biết.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và kéo dài, ông Trung cũng rất mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ, cùng chia sẻ giảm tải một phần gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Về phía chính quyền, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thao Hùng - Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hiện nay phường đang tổ chức gấp rút công tác hỗ trợ để người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ. 

Về quy trình, ông Hùng cho hay, phường đang hỗ trợ kê khai danh sách người lao động, người sử dụng lao động, được đến đâu xét duyệt ngay đến đó và đang niêm yết tại khu dân cư và bảng tin của phường, sau đó mới gửi lên Phòng Lao động - Thương binh & xã hội. Khó khăn trong công tác rà soát, do đang phải giãn cách xã hội, nên các tổ trưởng tổ dân phố phải đi kiểm tra từng nhà xem những trường hợp nào thật sự mất việc làm.

Bước đầu rà soát, Chủ tịch UBND phường Trung Liệt cho biết: “Trên địa bàn có rất nhiều người mất việc làm trong thời gian này, bản thân tôi là lãnh đạo đã chỉ đạo rà soát kỹ, không bỏ lọt nhưng cũng không để ai lại phía sau”.

Tương tự, ông Nguyễn Khắc Thành - Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) cũng cho hay, hiện nay, xã vẫn đang giao cho công chức phụ trách phòng thương binh xã hội để rà soát lập danh sách đối tượng gửi lên huyện. Việc này đang được tiến hành nhanh chóng, khẩn trương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như người sử dụng lao động trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương gặp khó khăn trong công tác rà soát, triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, ông Tạ Duy Đông - Chủ tịch UBND xã Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay: Hiện nay xã đang triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động nhưng không triển khai được nhanh như các địa bàn khác do đang phải cách ly xã hội theo quyết định giãn cách y tế; ai ở nhà nấy; lý do trên địa bàn có nhiều ca F0, đang bị phong tỏa.

“Việc này vẫn đang triển khai nhưng bị triển khai chậm. Lý do là nhiều trường hợp không thể ra đăng ký, khai báo với chính quyền được”, ông Đông cho hay.

 

Về việc triển khai chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước đó, Bộ trưởng bộ Lao động – Thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/8 như sau: “Đảng và Nhà nước luôn kiên định thực hiện các giải pháp thực hiện các mục tiêu kép một cách linh hoạt. Theo đó, nơi nào an toàn thì tập trung sản xuất, nơi nào có dịch thì tập trung chống dịch, đặt mục tiêu lớn nhất về an toàn tính mạng, sức khỏe và đời sống của người dân lên hàng đầu”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.