Ai phải đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân?
Giống với chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi và là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam (khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân).
Đặc biệt, thẻ Căn cước công dân còn được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu.
Ngoài ra, Căn cước công dân được xuất trình khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu để kiểm tra về căn cước.
Lưu ý, khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin trong thẻ Căn cước.
Điều 38 Luật Căn cước công dân chỉ rõ, địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2016. Chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, việc cấp thẻ Căn cước công dân sẽ được thực hiện trên cả nước.
Theo quy định tại Luật số 59/2014/QH13 – Luật căn cước công dân đã quy định nhũng mốc tuổi cần phải đi đăng ký chuyển đổi chứng minh nhân dân thành căn cước công dân.
Cụ thể, thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Cần lưu ý độ tuổi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi để thay đổi chứng minh nhân dân thành Căn cước công dân như quy định, trừ trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước các mốc tuổi quy định nêu trên.
Ngoài ra, các trường hợp sau cũng phải đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân:
- Chứng minh nhân dân hết hạn
- Bị mất chứng minh nhân dân
- Chứng minh nhân dân hư hỏng, không sử dụng được
- Người thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh
- Người thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Người có thay đổi đặc điểm nhận dạng
Phải đính chính lại Sổ Đỏ khi đổi sang Căn cước công dân?
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận thể hiện như sau:
“Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”
Theo đó, tại trang 1 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Sổ đỏ) có thông tin số chứng minh nhân dân.
Tại điểm g khoản 1 Điều 17 Thông tư số 23/2014 sửa đổi tại Thông tư số 33/2017 có nêu, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được xác nhận thay đổi số chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu.
Như vậy, khi đổi sang thẻ Căn cước công dân, các loại giấy tờ như Hộ chiếu, Bằng lái xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Việc xác nhận thay đổi được thực hiện theo nhu cầu của công dân, không bắt buộc.
Trường hợp có nhu cầu xác nhận thay đổi, người có quyền dử dụng đất thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm
- Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK
- Bản gốc Sổ đỏ đã cấp
- Bản sao thẻ Căn cước công dân và Giấy xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc thay đổi.
- Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu (nếu chưa thay đổi thông tin số Căn cước công dân trong Sổ hộ khẩu thì phải thực hiện trước khi xác nhận thay đổi số Căn cước công dân trên Sổ đỏ).
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện việc xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp.
Bước 3: Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai phải xác nhận việc thay đổi số Căn cước công dân vào trang 3 hoặc trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với thủ tục này được tăng thêm 10 ngày.
Hoàng Mai