Đội tuyển Việt Nam đã thua một cách hết sức đáng tiếc. Không tiếc làm sao được khi bị thủng lưới ở tình huống gần như cuối cùng của trận đấu, sau hơn 90 phút gồng mình chống chọi các đợt tấn công của đối phương. Nhưng, nếu may mắn, tuyển Việt Nam cũng chỉ có thể hòa trên sân nhà Mỹ Đình chứ không thể mong chờ chiến thắng.
Có thể hàng thủ Iraq cũng có vài tình huống phút chốc giật mình nhưng có một thống kê biết nói rằng các học trò của HLV Troussier không có nổi một pha dứt điểm về phía khung thành đội tuyển Iraq. Không dứt điểm đồng nghĩa không thể có bàn thắng, không thể ghi bàn đồng nghĩa không có hy vọng chiến thắng. Ngược lại, Iraq áp đảo về thế trận, tung ra 16 pha dứt điểm, 8 đi trúng đích.
Tuyển Việt Nam chỉ cố gắng để không thua chứ không có hy vọng thắng trong trận này. Đó là thực tế nghiệt ngã thầy trò Troussier phải đối mặt. Nghiệt ngã là vì tính triết lý nhà cầm quân người Pháp đã đưa ra. Ông định hướng đội tuyển Việt Nam theo lối chơi cầm bóng, cố gắng kiểm soát thế trận và tấn công. Nếu chọn lối chơi phòng ngự, việc cả trận đấu chỉ có một vài pha dứt điểm là điều dễ hiểu. Thậm chí, thật hiển hách nếu chỉ tung ra 1 pha dứt điểm nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc. Lấy tấn công làm kim chỉ nam để rồi suốt 90 phút không tung ra nổi một pha dứt điểm là kết quả đáng quan ngại.
Iraq có thể trên cơ, nhưng đối thủ này chưa vượt trội tới mức Việt Nam lép vế chịu trận. Năm 2019, tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo chỉ chịu thua vào phút cuối với tỷ số 3-2 và có hai lần vượt lên dẫn trước. Năm 2015, khi HLV Toshiya Miura cầm quân, Việt Nam thậm chí dẫn trước Iraq đến phút 90+7 mới bị gỡ hòa.
Nhận bàn thua phút cuối làm thay đổi kết quả trận đấu thật thiếu may mắn. Song, thua trong thế trận như thế nào cũng là điều đáng bàn. Đội tuyển Việt Nam hôm nay thua trong thế không có hy vọng thắng. Cố gắng chống chọi để không thua nhưng rồi sụp đổ ở những giây cuối cùng. Cay đắng ở chỗ đó nhưng cũng có rất nhiều vấn đề để chỉ ra. Khách quan có. Chủ quan có. Từ chất lượng mặt sân Mỹ Đình, chênh lệch trình độ cầu thủ, như HLV Troussier viện dẫn trong buổi họp báo sau trận, cho đến lối chơi chưa thật trơn tru hay dấu hỏi về cách dùng người của vị chiến lược gia người Pháp v.v..
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất, bao trùm lên mọi vấn đề khác, là thể lực. Thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, điều kiện đầu tiên phải xét đến là thể chất và thể lực. Chưa bàn đến kỹ năng hay tư duy, nếu thiếu sức khỏe và sức bền thì không thể nào chiến thắng trong thể thao. Tuyển Việt Nam chưa hẳn thua Iraq về đấu pháp hay kỹ thuật, nhưng thể lực, bên cạnh thể chất, thì thua xa. Không chỉ thường xuyên thất thế trong các tình huống tranh chấp tay đôi, đặc biệt không chiến, các cầu thủ áo đỏ tỏ ra yếu hơn, chậm hơn, kém dẻo dai so với đối thủ. Nghiêm trọng hơn là sức bền.
Chính HLV Troussier thừa nhận ông sử dụng các quyền thay người vì vấn đề thể lực chứ không phải điều chỉnh chiến thuật. Vậy nhà cầm quân người Pháp thay người như thế nào? Đầu hiệp hai, rút Văn Toàn và Tiến Linh để thay bằng Đình Bắc và Thanh Nhàn. Phút 55, Tuấn Anh rời sân nhường chỗ cho Thành Long. Phút 60, Văn Khang thay Minh Trọng. Và phút 66, Quế Ngọc Hải dính chấn thương không thể tiếp tục thi đấu và Bùi Hoàng Việt Anh thay thế.
Như vậy, chưa đến phút 70, HLV Troussier đã sử dụng toàn bộ 5 quyền thay người, để rồi hơn 20 phút còn lại chứng kiến nhiều cầu thủ thở không ra hơi. Thái Sơn hay Tuấn Tài còn tập tễnh cố lết trên sân. Chính Tuấn Tài là người không thể theo nổi Ali Adnan để cầu thủ này tạt bóng cho Aymen Hussein ghi bàn. Bởi vậy, phần nào đó có thể nói, hàng thủ Việt Nam gồng không nổi để chống đỡ ở pha bóng cuối cùng chứ không hề “mất tập trung”.
Câu hỏi được đặt ra là cầu thủ Iraq quá khỏe hay thể lực của cầu thủ đội tuyển Việt Nam có vấn đề. Vẫn chính HLV Troussier thừa nhận thể lực của các học trò chỉ đủ để chơi bóng cường độ cao trong 60 phút, 30 phút còn lại là… “nhờ trời”.
Cần một phép so sánh ở đây để chứng minh tuyển thủ Việt Nam không yếu đến mức độ sau phút 70 đã hết quyết thay người và kiệt sức thấy rõ. Câu chuyện cổ tích Thường Châu đã không được viết nên nếu các tuyển thủ U23 Việt Nam không đủ bền bỉ. 6 trận kịch chiến trước đối thủ đều trên cơ trong 16 ngày, 3 trận vòng đấu loại trực tiếp đều quần thảo trọn 120 phút, nhưng Những chiến binh sao vàng đều thi đấu lăn xả cho đến giây phút cuối cùng.
Khốc liệt không kém là Đại hội thể thao châu Á 2018 (Asian Games), tuyển O. Việt Nam tham dự 7 trận đấu trong vòng 19 ngày, tức trung bình chưa đến 3 ngày đã phải thi đấu 1 trận. Tại kỳ đại hội này, thầy trò Park Hang Seo vào tới bán kết và cuối cùng xếp hạng tư chung cuộc.
Trở lại với đội tuyển Việt Nam hiện tại. HLV Troussier có 9 tháng để chọn lọc và thử nghiệm đội hình. Để bước vào chiến dịch vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, nhà cầm quân người Pháp cũng có gần nửa tháng chuẩn bị. Quãng thời gian giữa hai trận đấu với Philippines và Iraq cũng lên tới 5 ngày, thừa thãi để các cầu thủ hồi phục thể lực và chuẩn bị.
Về vấn đề này, HLV Troussier cũng trả lời báo giới rằng các cầu thủ Việt Nam chưa đảm bảo cường độ thi đấu vì không ai ra nước ngoài thi đấu trong khi chất lượng V-League chưa đảm bảo. “Chúng ta cần hiểu rằng, kể cả khi nâng cao trong các đợt tập trung, thì cường độ thi đấu của các giải đấu trong nước chưa cung cấp cho các cầu thủ cường độ đủ cao. Hiện tại chưa thể kỳ vọng các cầu thủ thi đấu cường độ cao liên tục trong 90 phút mà có thể chỉ là 60 phút thôi, còn 30 phút còn lại chúng ta phải chờ đối phương sơ suất của đối phương hoặc sự may mắn”, ông nói.
Những điều HLV Troussier chỉ ra đều đúng, nhưng ai sẽ là người giải quyết vấn đề này?!