Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Dù chậm nhưng vẫn phải làm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong chương trình rà soát giám sát thường niên, Ủy ban Khoa học Công nghệ chủ động đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về dự án này. Sau giám sát, Ủy ban Khoa học Công nghệ có báo cáo, đề nghị đưa nội dung này vào chương trình của kỳ họp thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các báo cáo đều khẳng định đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt như kinh tế, lịch sử, quốc phòng, an ninh quốc gia, giao thông.
“Nước ta theo hình chữ S, trải dài từ Đông sang Tây nên có nhiều tuyến đường như đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển… Trong đó, đường Hồ Chí Minh bám vào phần địa hình cao nhất của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trên thực tế, khi nước ta có quyết định đầu tư đường Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện rất nhiều cho các khu vực trước đây kém phát triển để có điều kiện phát triển như khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Đặc biệt, khi một số khu vực ngập lụt nặng thì tuyến đường Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng rất lớn, giúp các phương tiện thông tuyến.
Từ những ý nghĩa rất quan trọng đó, Chính phủ đã trình, Quốc hội đã quyết định việc hoàn thành mục tiêu thông tuyến với quy mô hai làn xe. Sau này đường Hồ Chí Minh có thể mở rộng thêm nhưng trước mắt quy mô sẽ là 2 làn xe từ Bắc – Nam.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, so với Nghị quyết của Quốc hội thì đến nay đã quá thời hạn 2 năm nhưng vẫn còn một số đoạn, một số nơi chưa hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Bên cạnh đó, hiện đã có một số đoạn đầu tư đã lâu nên có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
“Ủy ban Thường vụ đã họp, có kết luận và đề nghị Chính phủ trước mắt bố trí vốn để giải quyết xong những đoạn còn lại. Dù chậm nhưng chúng ta phải làm vì là nhiệm vụ bắt buộc. Khi hoàn thành toàn bộ cần tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm và đề xuất đầu tư giai đoạn sau. Do vậy, lần này chỉ là đánh giá sơ bộ dự án”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Với những vị trí hư hỏng, xuống cấp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần bố trí chi phí duy tu bảo dưỡng để đảm bảo thông suốt cho tuyến đường.
Cho đến nay, Chính phủ đã trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ cho ngành giao thông đã rà soát, tiết kiệm được hơn 4.000 tỷ đồng. Từ đó bố trí vốn cho 2 đoạn tuyến Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Chìa khóa để phát triển hạ tầng giao thông
Trong khi đó, cho ý kiến thảo luận tại tổ 1, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) bày tỏ, vấn đề giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ ở nước ta đang là “điểm nghẽn” của phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này, tuy nhiên trong tương quan so với thế giới Việt Nam đang tụt hậu về cơ sở hạ tầng.
Theo ông Lộc, đường Hồ Chí Minh là trục giao thông rất quan trọng của đất nước, không phải chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị xã hội, an ninh quốc phòng, là biểu tượng tinh thần dân tộc của đất nước, ý chí của dân tộc.
“Việc Đảng, Nhà nước quyết tâm để xây dựng hoàn chỉnh được tuyến đường này, kết nối được các địa phương trong cả nước là quyết tâm chính trị rất cao. Tuy nhiên, kế hoạch đã đề ra nhưng thực hiện có nhiều khó khăn, đến nay vẫn chưa hoàn thành được”, ông Lộc bày tỏ.
Nguyên nhân được ông Lộc đưa ra là do dịch bệnh Covid, ngân sách nhà nước khó khăn… Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa đó là thể chế chính sách trong phát triển giao thông, đặc biệt là thể chế, chính sách về huy động nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông.
Đại biểu Lộc cho rằng, một điều rất quan trọng nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
“Làm sao huy động được nguồn lực của xã hội, nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề cốt lõi, là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Không chỉ huy động ở trong nước mà còn huy động nguồn vốn quốc tế, của các nhà đầu tư nước ngoài. Chừng nào chúng ta không giải quyết được bài toán này thì chừng đó giao thông vẫn tiếp tục tụt hậu”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Lộc nhắc Quốc hội đã thông qua luật về PPP, nhưng sau khi Quốc hội thông qua thì một loạt các dự án đang làm PPP lại rút về, lại thực hiện đầu tư công, đây là điều “cực chẳng đã” và vướng mắc trong hệ thống thể chế về PPP.
Cho nên, đầu tư lớn nhất hiện nay cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cũng như cho phát triển kinh tế, chính là đầu tư cho hoàn thiện thể chế, tập trung nguồn lực cho hoàn thiện thể chế thì mới khơi thông được nguồn lực cho sự phát triển.
“Chúng tôi vẫn hy vọng tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn phải là con đường ý Đảng lòng dân, của tinh thần dân chung tay với Nhà nước để xây dựng những công trình lớn và chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó”, đại biểu Lộc bày tỏ.
Đầu tư PPP - khả năng thu hồi vốn khó
Phản biện ý kiến của ĐB Vũ Tiến Lộc, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, chủ trương huy động nguồn lực PPP là vô cùng cần thiết, trong Nghị quyết của Đảng cũng nói rất rõ là Nhà nước chỉ đầu tư những công trình, dự án mà tư nhân không làm được.
Tuy nhiên, nguyên tắc này không phải áp dụng vào trường hợp nào cũng đúng mà phải căn cứ vào tình hình thực tế, cũng như khả năng thu hồi vốn.
“Đã nói đến PPP, nói đến tư nhân là nói đến lợi nhuận, nhà đầu tư chỉ đầu tư khi thu hồi được lợi nhuận”, đại biểu Lưu Mai nhấn mạnh.
Về đoạn đường Hồ Chí Minh, bà Mai cho rằng nếu đi khảo sát thì thấy rằng khả năng thu hồi vốn là rất khó.
“Kể cả có khuyến khích thì nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc rất thận trọng về khả năng thu hồi vốn. Xét trên thực tế khả năng huy động nguồn lực PPP đối với tuyến đường này là rất khó khả thi. Do vậy, quan điểm cá nhân của tôi ngoài ý nghĩa kinh tế xã hội còn có quốc phòng an ninh và chính trị. Nên đầu tư công là hợp lý”, bà Mai nhấn mạnh.
Hoàng Bích - Thu Huyền