Dự báo thị trường lao động sẽ phục hồi vào đầu quý II/2022

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 09/11/2021 06:00

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, so với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng.

Số lao động phục hồi, cá biệt có địa phương tới 90%

Phát biểu giải trình thêm vào cuối phiên thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế-xã hội chiều 8/11, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung chia sẻ 5 nội dung lớn: các chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; phát triển các trụ cột chính của an sinh xã hội là bảo hiểm xã hội; vấn đề chăm lo các đối tượng yếu thế; kết quả triển khai các gói hỗ trợ và vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cũng như nguồn lao động và chăm lo phục hồi thị trường lao động.

Về vấn đề an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam từng bước hình thành 3 chức năng cơ bản: Phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Về việc ban hành và triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo với Quốc hội rằng tương đối chủ động, làm bài bản và thực hiện theo lộ trình, đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh, tình huống cụ thể.

Tiêu điểm - Dự báo thị trường lao động sẽ phục hồi vào đầu quý II/2022

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình thêm vào cuối phiên thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế-xã hội (Ảnh: Zing.vn).

Bộ trưởng nêu dẫn chứng như, đối với người yếu thế, ngay từ đầu năm chủ động ban hành Nghị định 20 thay thế Nghị định 136, trong đó nâng mức hỗ trợ bình quân cho người yếu lên gấp 3 lần, cá biệt có những đối tượng nâng lên 100%.

Đối với người có công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75 và đảm bảo 7/12 nhóm đối tượng được nâng mức hỗ trợ hàng tháng, trong đó hàng tháng nâng mức độ hỗ trợ lên khoảng trên 1.000 tỷ/1 năm.

“Chúng ta đang tiến hành điều chỉnh các chính sách tiền lương đối với hưu trí, nhất là quan tâm đến lực lượng hưu trí trước năm 1995, người có lương hưu thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Trong công tác phòng chống dịch, nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp tình thế trong trường hợp đặc biệt đã được ban hành.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta đã ban hành 3 gói chính sách lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, đã có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 qua 4 tháng triển khai, toàn quốc đã phê duyệt 25,9 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng, gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đã rà soát, hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động với số lượng hiện nay báo cáo với Quốc hội là 85% là lực lượng lao động trong đối tượng thụ hưởng đã đạt với 20,644 nghìn tỷ đồng.

Về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng điều đáng mừng là hơn 1 tháng qua trong tình hình trạng thái mới, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, tình hình đang có tiến triển rất khả quan.

Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và kiểm tra thì hiện nay phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp chế xuất từ 50 đến 80%, số lao động phục hồi hiện nay 70 đến 75%, cá biệt có địa phương tới 90%.

“Như vậy, so với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng thì chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, do đã chủ động những giải pháp nhất định, các địa phương cũng từng bước phục hồi sản xuất, vừa đảm bảo sản xuất, vừa an toàn và chưa sử dụng hết công suất sản xuất. Theo đó, dự báo của chúng tôi thì hết quý I và đầu quý II/2022, nếu không có diễn biến phức tạp thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường là đáp ứng được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động

Cũng phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội chiều 8/11, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) bày tỏ, dịch bệnh đã trực tiếp tấn công vào lực lượng công nhân lao động và các khu công nghiệp gây hậu quả hết sức nặng nề.

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều triệu lao động mất việc làm phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương.

Từ thực tiễn phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Phi Thường kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công nhân lao động.

Thứ nhất, đại biểu Phi Thường đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng. Tạo cơ chế để công đoàn là chủ thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Có chính sách và gói hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê, mua. Ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu phòng trọ, giúp công nhân an cư lạc nghiệp cũng là góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại.

Tiêu điểm - Dự báo thị trường lao động sẽ phục hồi vào đầu quý II/2022 (Hình 2).

ĐBQH Nguyễn Phi Thường kiến nghị tập trung giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công nhân lao động.

Thứ hai, phần lớn công nhân lao động hết thu nhập không thể duy trì cuộc sống sau khi doanh nghiệp ngừng hoạt động một vài tháng. Điều này cho thấy thu nhập của công nhân còn rất thấp, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp thúc đẩy vấn đề tiền lương tối thiểu, đã 2 năm liên tục, ta chưa thể tăng lương tối thiểu vì dịch bệnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển việc làm bền vững, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp….

Thứ ba, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi cơ cấu ngành, nghề trên thị trường lao động, phương thức quản trị doanh nghiệp và cách thức làm việc của người lao động. Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, vấn đề sống còn là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, những năm qua, công tác này được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam còn ở mức rất thấp. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn cả chính sách, nguồn lực, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện, cần đưa công đoàn là một chủ thể tham gia vào quá trình nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động với các chính sách, nguồn lực cụ thể

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.