Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner mới đây cho biết chính phủ nước này sẽ không ủng hộ kế hoạch của Ủy ban Châu Âu (EC) về việc cấm bán ô tô mới có động cơ đốt trong từ năm 2035.
Trước đó, trong nỗ lực cắt giảm 55% lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu vào năm 2030 so mức của năm 1990, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất giảm 100% lượng khí thải CO2 từ các ô tô mới vào năm 2035. Điều này đồng nghĩa với lệnh cấm bán các loại xe mới được trang bị động cơ đốt trong ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2035.
Trong tháng này, các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ đề xuất trên, sau đó sẽ diễn ra những cuộc đàm phán với các thành viên EU để cuối cùng có thể ban hành thành luật. Các biện pháp giảm phát thải CO2 hiện nay tại EU cần có sự chấp thuận của tất cả quốc gia thành viên. Quá trình này có thể mất khoảng 2 năm và sẽ có các ý kiến phản đối, chẳng hạn như Đức và Pháp đều có ngành công nghiệp ô tô mạnh.
Các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp phụ tùng và cơ quan liên quan ở Trung Âu và Đông Âu đang cân nhắc những lựa chọn. Cả Slovakia và Hungary đều có nhà máy lớn sản xuất ô tô của Đức, trong khi Ba Lan là nhà cung cấp rất nhiều phụ tùng đặc biệt là ắc quy cho ô tô của các nhà sản xuất phương Tây.
Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội các ngành công nghiệp Đức (BDI) đăng cai tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lindner cho biết sẽ tiếp tục có những cơ hội để phát triển động cơ đốt trong, chính phủ nước này sẽ không đồng ý với đề xuất trên của châu Âu.
Bên cạnh đó, ông Lindner khẳng định nước Đức vẫn sẽ là thị trường hàng đầu cho xe điện. BDI đại diện cho 37 hiệp hội ngành công nghiệp của Đức, tuyên bố cho lợi ích của 100 nghìn doanh nghiệp với 8 triệu thành viên.
Brussels cũng đã đề xuất quy định các quốc gia thành viên phải lắp đặt trạm sạc điện công cộng trong phạm vi 60 km (37,5 dặm) trên các tuyến đường vào năm 2025. Điều này đòi hỏi có 3,5 triệu trạm sạc điện công cộng cho ô tô tại các nước châu Âu vào năm 2030 và tăng lên 16,3 triệu trạm vào năm 2050.
Hiện tại khoảng 70% trong số 300 nghìn trạm sạc điện chỉ tập trung ở 4 trong số 27 nước thành viên của EU. Vào 2020, trung bình có 44 trạm sạc trên mỗi 100 km đường ở Hà Lan, con số này ở Bỉ là 38, Đức là 18 và Ba Lan có 1,5 trạm.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, DW)