Theo The Eur Asian Times, Nga đã tạo ra sóng gió ngoại giao lớn cho Mỹ với việc cung cấp các tên lửa tiên tiến cho Trung Quốc, Ấn Độ hay quan trọng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được coi là đối tác chiến lược của Lầu Năm Góc trong việc cùng phát triển chương trình máy bay chiến đấu tiên tiến F-35.
Trong bối cảnh này, như đổ thêm dầu vào lửa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là đã dùng chính tên lửa đất đối không S-400 chống lại máy bay chiến đấu F-16 Falcon do Mỹ chế tạo. Mục đích của động thái này là nhằm thu thập thông tin tình báo cần thiết về Lầu Năm Góc và lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
S-400 được coi là tiên tiến nhất trong loại hình vũ khí này. Chúng được thiết kế đặc biệt để theo dõi công nghệ tàng hình được phát triển trên các loại máy bay tiên tiến như chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất, loại máy bay chiến đấu được săn lùng nhiều nhất thế giới.
S-400 được coi là vượt trội hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của Mỹ - Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Nếu như trước đây THAAD là hệ thống phòng thủ duy nhất có khả năng tìm ra điểm yếu của F-35 thế hệ thứ năm thì nay điều này đã thay đổi.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 sau khi không tuân thủ các cảnh báo của chính quyền Trump trong việc ngừng mua hệ thống S-400.
Lý do Mỹ cảnh giác với S-400 là bởi Lầu Năm Góc lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng công nghệ từ vũ khí Nga này để tìm ra điểm yếu của F-35 và tiết lộ cho các đồng minh của mình, đặc biệt là Nga.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ vẫn giữ niềm tin các máy bay chiến đấu tàng hình của mình như F-35 và F-22 Raptors hoàn toàn an toàn trước sự theo dõi của các hệ thống tên lửa khủng khiếp của Nga, điều tương tự lại chưa thể có với chiến đấu cơ F-16.
Theo một số cáo, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hệ thống S-400 ở tỉnh Samson trên bờ Biển Đen trong cuộc tập trận quân sự Eunomia được tổ chức gần đây. Cuộc tập trận có sự tham gia của không quân Hy Lạp, Ý, Pháp và Cyprus.
Theo các nguồn tin trong cuộc tập trận, Thổ Nhĩ Kỳ đã theo dõi thành công một tiêm kích F-16 thuộc Không quân Hellenic (Hy Lạp).
Sau khi xuất hiện thông tin trên, hôm 7/10, hai thượng nghị sĩ Mỹ là Chris Van Hollen và James Lankford gửi một lá thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu làm rõ thông tin này. Các nghị sĩ Mỹ hối thúc chính phủ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vốn đã trì hoãn từ lâu nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống S-400 từ Nga.
“Những báo cáo về việc kích hoạt (hệ thống S-400) rõ ràng cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định thay đổi quyết định và từ bỏ hệ thống này. Việc Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt S-400 được báo cáo gần đây để phát hiện tiêm kích F-16 của Mỹ nêu bật những lo ngại nghiêm trọng của chúng tôi về khả năng Nga tiếp cận dữ liệu nhạy cảm”, bức thư có đoạn.
Những diễn biến mới này làm gia tăng căng thẳng vốn có từ trước giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - nước giữ vai trò là vị trí trọng yếu cho binh sĩ Mỹ thực hiện các hoạt động ở cả Trung Đông lẫn châu Âu.
Tháng 12/2017, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 trị giá 2,5 tỉ USD. Tháng 7/2019, Nga bàn giao lô hệ thống S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước cũng đã ký hợp đồng mua bán lô S-400 thứ hai hồi tháng 8.