Trung Quốc đã vượt mặt Nga?
Trong một đoạn video ngắn do Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phát hành tuần trước, bốn máy bay chiến đấu J-20 được nhìn thấy bay vút qua bầu trời bão tố, cơ động khéo léo giữa những tia sét.
Ẩn trong những hình ảnh kỹ thuật số ấn tượng này là sự thể hiện của một chi tiết quan trọng: Lần đầu tiên, máy bay Trung Quốc sẽ được trang bị động cơ sản xuất trong nước thay vì động cơ của Nga.
Tờ Thời báo Hoàn cầu lưu ý rằng việc Trung Quốc quyết định thay thế động cơ J-20 là dấu hiệu mới nhất cho thấy nước này đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách quân sự với nước láng giềng phương Bắc.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc chủ yếu dựa vào vũ khí của Nga để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi, khi Trung Quốc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của riêng mình và thậm chí bắt đầu thách thức Moscow trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố vào tháng 12 cho thấy, Trung Quốc đã vượt Nga để nắm giữ vị trí nhà sản xuất vũ khí đứng thứ 2 thế giới trong giai đoạn từ 2015 đến 2019. Mỹ hiện vẫn là quốc gia giữ vị trí số 1.
Trung tâm nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 4 trong số 25 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu năm 2019 là của Trung Quốc. Trong bộ tứ này, có 3 trong nhà sản xuất nằm trong top 10, chiếm 16% tổng doanh số bán vũ khí và kiếm được 56,7 tỷ USD. Ngược lại, chỉ có 2 công ty Nga lọt vào top 25, chỉ chiếm dưới 4% tổng số và tạo ra 13,9 tỷ USD.
Một số quan chức công nghiệp quốc phòng Nga và các nhà phân tích đã có những tranh cãi về công bố của SIPRI, cho rằng không thể tính toán chính xác khối lượng bán vũ khí của Trung Quốc vì quốc gia châu Á luôn giấu kín thông tin về tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình.
Họ cũng phản đối quyết định của SIPRI khi loại bỏ tập đoàn công nghệ nhà nước Nga Rostec, một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất của đất nước, trong bảng xếp hạng 25 hàng đầu.
Mặc dù vậy, rất ít người ở Moscow phủ nhận việc Trung Quốc thực sự đã tăng cường vị thế nhanh chóng, không chỉ về số lượng vũ khí được sản xuất mà còn về chất lượng.
Nói với Nikkei Asia, chuyên gia Vadim Kozyulin, Giám đốc Dự án An ninh Châu Á tại Trung tâm PIR, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Moscow, cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Nga trong lĩnh vực phát triển máy bay không người lái, một số loại tàu chiến và thậm chí có thể cả tên lửa siêu vượt âm - một lĩnh vực được coi là niềm tự hào lớn của Điện Kremlin trong những năm gần đây.
“Chúng tôi thấy rằng Trung Quốc đang sản xuất rất nhanh các mẫu vũ khí mới, cứ 10 năm lại tung ra một thế hệ mới giống như Liên Xô đã từng làm. Trong hoàn cảnh này, Nga khó có thể cạnh tranh vì chúng tôi có ngân sách nhỏ, thậm chí còn đang giảm", ông nói.
Nga đã tụt hậu?
Trong phần lớn thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Trung Quốc.
Hai nước láng giềng bắt đầu hợp tác từ đầu những năm 1990, khi Trung Quốc vừa thực hiện một chiến dịch đầy tham vọng nhằm nâng cấp vũ khí lỗi thời của quân đội.
Ban đầu, Bắc Kinh coi phương Tây như một nguồn tiềm năng cho công nghệ quân sự tiên tiến, nhưng những hy vọng đó đã tan thành mây khói sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc vào năm 1989.
Trung Quốc sớm tìm được người thay thế là Nga. Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã làm tổn hại các nhà sản xuất vũ khí của Nga. Sự nổi lên của Trung Quốc như một khách hàng tiềm năng đã cung cấp cho ngành công nghiệp quốc phòng ốm yếu của Nga một huyết mạch kinh tế rất cần thiết.
Từ năm 1992 đến 2007, Trung Quốc nhập khẩu 84% vũ khí từ Nga, trong đó quân đội mua sắm nhiều máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không, tàu khu trục và tàu ngầm.
Sau khi mua, Trung Quốc cũng tiến hành kỹ thuật đảo ngược đối với nhiều đơn hàng của Nga. Một số vũ khí mới nhất của Trung Quốc, đáng chú ý nhất là máy bay chiến đấu J-11 và tên lửa đất đối không HQ-9, dường như gần giống với các biến thể mua từ Nga trước đó.
Vào tháng 12/2019, Rostec đã công khai cáo buộc Trung Quốc sao chép bất hợp pháp một loạt các công nghệ quân sự của Nga trong suốt gần hai thập kỷ.
Bất chấp những lo ngại này, hoạt động buôn bán vũ khí giữa hai nước vẫn tiếp tục nở rộ. Từ năm 2014 đến 2015, Moscow đã đồng ý cung cấp cho Bắc Kinh 6 tiểu đoàn hệ thống phòng không S-400 và 24 máy bay chiến đấu Su-35, những vũ khí tối tân nhất của Nga.
Hiện tại, không rõ Trung Quốc sẽ cần vũ khí của Nga trong bao lâu nữa. Chỉ trong vòng 20 năm, lĩnh vực vũ khí của Trung Quốc đã từ ngành công nghiệp non trẻ trở thành ngành công nghiệp nặng ký toàn cầu. Bắc Kinh không chỉ đáp ứng hầu hết các nhu cầu quân sự của mình mà còn xuất khẩu cho các khách hàng từ Pakistan đến Serbia.
Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất vũ khí hàng đầu đã được củng cố bởi sự gia tăng nhanh chóng trong chi tiêu quân sự. Theo SIPRI, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã mở rộng 85% trong thập kỷ qua, đạt 261 tỷ USD vào năm 2019.
Mặc dù Nga đã tăng chi tiêu quân sự dưới thời Tổng thống Vladimir Putin trước đây nhưng mức tăng này khiêm tốn hơn nhiều và chi tiêu quốc phòng đã dần dần giảm kể từ năm 2015.
Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Chi tiêu Quân sự và Vũ khí của SIPRI, cho rằng Moscow có thể đang tụt lại quá xa.
Ông cho rằng, về lâu dài, thậm chí có khả năng Trung Quốc sẽ đẩy các nhà sản xuất vũ khí của Nga ra khỏi các thị trường truyền thống của họ ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Wezeman cảnh báo rằng Trung Quốc có vị thế tốt để cạnh tranh với Nga trên các thị trường này, vì không giống như Moscow, Bắc Kinh có thể kết hợp các hợp đồng vũ khí với các thỏa thuận kinh tế béo bở.
“Không có lý do thực sự nào để những quốc gia đó đi với người Nga nếu họ có thể nhận được thứ gì đó tương tự hoặc tốt hơn từ người Trung Quốc. Theo một cách nào đó, người Trung Quốc dường như có nhiều thứ hơn để cung cấp, không chỉ về vũ khí, mà còn tất cả các loại khác".