Ủy ban châu Âu (EC) đang muốn từ bỏ các quy tắc cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) để cho phép các chính phủ thành viên định ra giới hạn giá cho người tiêu dùng trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn, tờ báo Đức Welt am Sonntag mới đây đã trích dẫn tài liệu của ủy ban về "các can thiệp thị trường năng lượng trong ngắn hạn" cho thấy.
Theo dự thảo, các quốc gia thành viên EU nên được phép điều tiết giá tiêu dùng trong một giai đoạn chuyển tiếp nhằm tránh việc giá tăng vọt ngay cả trước khi xảy ra thiếu hụt nghiêm trọng.
Dự thảo cho biết việc đưa ra mức giá tối đa theo quy định trong trường hợp khẩn cấp sẽ được giới hạn trong thời hạn nhất định và nên áp dụng theo giá thị trường càng lâu càng tốt. Tài liệu vẫn có thể thay đổi trước khi dự kiến thông qua vào ngày 18/5.
Uỷ ban EC viết trong tài liệu: "Một khả năng sẽ là hạn chế sự hình thành giá trong trường hợp xảy ra gián đoạn bằng cách giới hạn giá trên các sàn giao dịch khí đốt ở châu Âu. Tuy nhiên, mức trần giá như vậy nói chung có thể được đưa ra theo những cách khác nhau và có thể can thiệp ở các cấp độ khác nhau của chuỗi giá trị (value chain) khí đốt".
Mối lo ngại về nguồn cung khí đốt đang đè nặng lên thị trường năng lượng châu Âu khi Moscow đáp trả các hình phạt của EU bằng những biện pháp hạn chế của riêng mình đối với một số công ty khí đốt trong khu vực.
Việc các nhà nhập khẩu có trụ sở tại châu Âu nên thanh toán khí đốt của Nga như thế nào để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt cũng là một vấn đề đau đầu.
Vào tháng 3 vừa qua, EU đã cảnh báo rằng việc tìm cách giới hạn giá khí đốt bán buôn có thể sẽ gây ra nhiều vấn đề và làm suy yếu nỗ lực chuyển sang năng lượng xanh.
EC sẽ công bố kế hoạch chi tiết trong tháng này để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, vốn là quốc gia đã cung cấp tới 40% khí đốt cho EU.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Bloomberg)