Thông tin trên Zing, dữ liệu mới nhất được Nikkei cập nhật từ Refinitiv vào hôm 8/6 cho thấy, trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 800.000 thùng dầu Nga mỗi ngày thông qua đường biển. Tính từ tháng 1 thì con số này tăng vọt đến hơn 40%, không bao gồm dầu được chuyển qua ống dẫn.
Tương tự, Ấn Độ cũng nhập dầu từ Nga qua đường biển vào đã tăng từ mức 0 vào tháng 1 tới gần 700.000 thùng/ngày trong tháng 5.
Nói về lý do Trung Quốc và Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu Nga, trưởng chuyên gia kinh tế thuộc công ty thăm dò năng lượng JOGMEC của Nhật - ông Takayuki Nogami nói do “lệnh trừng phạt phương Tây đã làm giảm số người mua, khiến dầu thô Nga có thể được mua với giá rẻ”.
Hồi tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý cấm nhập khẩu dầu Nga, qua đó lập tức dừng nhập khẩu 2/3 dầu mỏ. Dự kiến của khối này là từ nay đến cuối năm sẽ chấm dứt khoảng 90% khối lượng dầu mua từ Nga. Không riêng gì Mỹ hay liên minh châu Âu, nhiều công ty ở phương Tây cũng đang tránh mua dầu Nga.
Đó là lý do khiến cho giá dầu Urals của Nga, loại dầu chủ yếu dành cho thị trường châu Âu chỉ bán với mức giá khoảng 90 USD/thùng. So với giá dầu thô Brent tiêu chuẩn của thế giới thấp hơn 35 USD.
Tuy nhiên, giá dầu thô Urals của Nga so với một năm trước đã tăng khoảng 30%. Việc tăng giá này không chỉ theo xu hướng giá dầu thế giới mà còn đến từ việc Trung Quốc và Ấn Độ nhập chúng với khối lượng ngày một tăng, giúp dầu Nga dù bị trừng phạt vẫn giữ giá.
Dù Mỹ và châu Âu đang kêu gọi Trung Quốc, Ấn Độ hạn chế mua dầu, than từ Nga. Tuy nhiên, giữa lúc giá năng lượng thế giới tăng cao thì mức giá rẻ ở hiện tại là lợi thế kinh tế khổng lồ.
Về việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, hồi tháng 5, Bộ Dầu mỏ và Khí tự nhiên Ấn Độ cho biết “năng lượng mua từ Nga chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng tiêu thụ của Ấn Độ”. Cơ quan này còn cảnh báo rằng, việc ngừng nhập khẩu từ Nga “sẽ tạo thêm sự bất ổn, từ đó làm tăng giá thế giới”.
Theo VnEconomy, EU còn cấm các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga trên khắp thế giới. Như vậy, châu Âu sẽ khiến cho Nga gặp khó khăn trong việc bán dầu cho các khách ở châu Á.
QT (T/h)