Giá thực phẩm rục rịch tăng theo giá xăng dầu

Giá thực phẩm rục rịch tăng theo giá xăng dầu

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 2, 25/09/2023 16:00

Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau xanh, thịt, cá... ở một số địa phương đã tăng giá. Điều này gây khó cho cả tiểu thương lẫn người tiêu dùng.

Nỗi lo tăng giá

Theo VietnamPlus tại các chợ truyền thống ở thành phố Hà Nội trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau xanh, thịt, cá và một số sản phẩm tiêu dùng khác tăng từ 10-30% so với thời điểm đầu tháng.

Cụ thể, tại mặt hàng rau xanh tăng mạnh nhất đến 30%. Cụ thể, rau mùng tơi từ 5.000 đồng/mớ nay đã lên 8.000 đồng/mớ; cải xanh từ 6.000 đồng/mớ tăng lên 8.000 đồng/mớ; rau dền từ 7.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ; rau muống từ 8.000-15.000 đồng lên 12.000-20.000 đồng/mớ…

Các loại củ quả như su hào từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/củ, bí xanh từ 13.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; súp lơ xanh, trắng từ 17.000-18.000 đồng lên 20.000-22.000 đồng/cây; cà chua từ 18.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, khoai lang từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/kg; hành lá từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương ở chợ Nguyễn Công Trứ cho biết hầu hết các loại rau xanh đã tăng mạnh hơn 1 tuần nay. Nguyên nhân là do thời tiết nắng mưa thất thường khiến một số loại rau bị hỏng, giảm nguồn cung đẩy giá tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng tăng nên cước vận chuyển cũng tăng khiến nhiều mặt hàng phải tăng giá bán từ 1000-2.000 đồng/kg để bù cho các chi phí phát sinh.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá thực phẩm rục rịch tăng theo giá xăng dầu

Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau xanh, thịt, cá... ở một số địa phương đã tăng giá. Ảnh minh họa từ internet 

“Với diễn biến xăng dầu, giá cả lương thực tăng lên tục như hiện nay thì giá rau xanh sẽ tiếp tục có xu hướng tăng tiếp trong thời gian tới chứ không có giảm,” chị Liên nói.  

Đồng quan điểm, chị Thu Hương, tiểu thương bán rau củ tại chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay giá rau xanh tăng cao khiến chị lo nhiều hơn vui. “Tại chợ đầu mối bán buôn giá cũng đã rất cao mà khách mua thì ít, nên tôi cũng chẳng dám nhập nhiều hàng như trước, chỉ mua mỗi loại một ít để bán và giữ chân khách quen,” chị Hương cho hay.

Bên cạnh mặt hàng rau xanh, các loại gia súc như thịt bò, thịt lợn cũng đang rục rịch tăng nhẹ. Giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 90.000-160.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-10.000 đồng mỗi kg so với thời điểm đầu tháng. Cụ thể, mông sấn từ 80.000 đồng lên 90.0000 đồng/kg; ba chỉ từ 130.000 đồng lên 140.000 đồng/kg, nạc vai giá từ 140.000 lên 150.000 đồng/kg; sườn non từ 155.000 đồng/kg tăng lên 160.000/kg…

Tương tự, đối với mặt hàng thịt bò như thăn, philê, dẻ sườn...  đang phổ biến trong khoảng 250.000 đồng/kg đến 320.000 đồng/kg tùy loại, tăng từ 5.000-10.000 đồng; trong đó giá thịt gầu bò ở mức 280.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 320.000 đồng/kg.

Một số loại lương thực, hàng hóa khác như gạo, đường cũng đang giữ ở mức cao: Gạo Bắc Thơm giá 17.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo ST25 giữ ở mức 28.000-30.000 đồng/kg; mặt hàng đường có đường RE loại 1kg phổ biến 28.000-30.000 đồng/kg…

Giá hàng hóa, thực phẩm những ngày này tăng khiến đời sống sinh hoạt của người dân cũng gặp khó khăn hơn.

“Tháng trước tôi đi chợ mua thức ăn cho cả nhà chỉ mất khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày nhưng nay phải chi đến 250.000 đồng/ngày. Ngoài giá thực phẩm, giá xăng dầu cũng bắt đầu tăng khá mạnh nên chi phí sinh hoạt lại đội thêm nhiều loại khác nữa…,” chị Lan Anh, người dân quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 vừa qua tăng 0,88% so với tháng trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

Mong sớm có chính sách bình ổn

Theo báo Lao Động, ở một số chợ truyền thống tại Cần Thơ, giá các thực phẩm như thịt, cá, rau, củ… và một số mặt hàng tiêu dùng khác đều rục rịch tăng giá, gây khó khăn cho tiểu thương lẫn người tiêu dùng.

Bán hàng cá ở chợ Ngã Ba (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), bà Phạm Thúy Kiều cho biết do chi phí vận chuyển tăng nên các loại cá bà bán đều tăng theo. Giá bán càng tăng, khách đến hàng cá của bà càng vắng.

Tương tự, bà T - tiểu thương bán rau, củ ở chợ Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) - cũng tỏ ra ngán ngẩm trước sức mua giảm dần. Khách lạ hỏi giá xong lưỡng lự bỏ đi, khách quen ít ghé hơn, còn nếu có ghé bà phải nài nỉ lắm mới mua được một ít rau.

Giá xăng tăng làm cho giá các mặt hàng khác đua nhau leo thang, đã tác động không nhỏ đến tiểu thương và người tiêu dùng. Theo đó, một số tiểu thương phải đau đầu lựa chọn giữa việc tiếp tục gồng gánh để giữ chân khách hàng hay tăng giá bán với nỗi lo mất khách.

Không thể gồng gánh khi chi phí vận chuyển cứ tăng liên tục, bà Kiều buộc phải tăng giá bán các loại cá. Bà Kiều chia sẻ, mấy tháng trước bà đã cố gắng duy trì giá bán hoặc chỉ tăng nhẹ 2.000-3.000 đồng/kg cá để giữ chân khách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại bà buộc phải tăng giá mạnh hơn. Dù biết càng tăng giá sức mua càng giảm nhưng bà cũng đành chịu vì nếu không làm thế thì chỉ có nước bù lỗ.

Cũng đau đầu với nỗi lo tăng giá sẽ mất khách, bà T đành giảm lợi nhuận để giữ chân người tiêu dùng. Theo đó, một số loại rau chi phí vận chuyển cao bà T vẫn sẽ tăng giá bán, còn những loại có chi phí vận chuyển thấp hơn bà sẽ cố gắng bán giá cũ. Tuy nhiên, theo bà T, đây chỉ là những giải pháp tạm thời để níu chân khách hàng. Bà vẫn mong giá xăng cùng các mặt hàng khác sẽ sớm được điều chỉnh bình ổn trở lại để bà phục hồi việc buôn bán.

Không chỉ tiểu thương, người tiêu dùng cũng mong giá cả hàng hóa sẽ sớm bình ổn trở lại.

Đào Vũ (T/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.