Lạm phát tiêu dùng cốt lõi của Nhật Bản trong tháng 4 đã tăng cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm. Nguyên nhân do chi phí năng lượng và hàng hóa tăng đang gây các đợt "bão giá trên diện rộng, tạo ra sức ép đối với các hộ gia đình.
Cụ thể, dữ liệu mới công bố của chính phủ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi trên toàn quốc (CPI lõi) của Nhật Bản, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống biến động nhưng bao gồm chi phí năng lượng, đã tăng 2,1% trong tháng 4 so với một năm trước đó. Điều đó đánh dấu mức tăng nhanh nhất trong một tháng kể từ tháng 3/2015.
Mức lạm phát trong tháng 4 lớn hơn nhiều so với mức tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi trên toàn quốc đã tăng trong 8 tháng liên tiếp, do giá nhiên liệu tăng cao và đồng yên yếu làm tăng chi phí nhập khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác.
Việc tăng giá tiêu dùng có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đối mặt với khó khăn để duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.
Tốc độ tăng giá nói chung ở Nhật Bản vẫn ở mức khiêm tốn so với mức tăng mạnh tại Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác. Tốc độ tăng lương chậm chạp ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khiến các công ty khó tăng giá hơn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4, thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 8,3% so với một năm trước. Dù giảm nhẹ so với mức đỉnh hồi tháng 3 là 8,5%, lạm phát Mỹ vẫn dao động gần với mức cao nhất kể từ mùa hè năm 1982. Loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng biến động, CPI lõi của Mỹ vẫn tăng mạnh ở mức 6,2%.
Bà Kathy Jones, giám đốc chiến lược thu nhập cố định tại công ty dịch tài chính Charles Schwab, nhận định: “Chúng tôi đang bắt đầu thấy năng lượng giảm lại một chút nhưng vẫn chưa đủ. Các thị trường đã mong đợi về một con số tốt hơn, mức hiện tại là không đủ để loại trừ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt nhiều hơn".
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã duy trì biện pháp kích thích tiền tệ lớn khi họ tìm cách để lạm phát ổn định ở mức 2%, ngay cả khi đồng yên yếu hơn đã đẩy giá thực phẩm và năng lượng lên cao và các ngân hàng trung ương lớn khác đang thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)