Giá vàng thế giới
Chốt phiên cuối tuần, giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường châu Á đứng ở quanh ngưỡng trên 2.414 USD/ounce. Giá vàng thế giới đã tăng mạnh hơn 54 USD/ounce so với chốt phiên cuối tuần trước.
Tuần qua, thị trường vàng quốc tế đón nhận khá nhiều thông tin kinh tế từ các nền kinh tế lớn. Trong đó, Mỹ công bố dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024.
Theo đó, chỉ số PPI tăng mạnh so với dự báo trong tháng 4/2024, với mức tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn mức dự báo trước đó tăng 0,3%, cao hơn rất nhiều mức đạt được tháng 3 đã điều chỉnh là giảm 0,1%.
Chỉ số PPI lõi (sau khi đã loại trừ thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn dự báo trước đó là 0,2% và cao hơn rất nhiều mức giảm 0,1% của tháng trước. Mặc dù, chỉ số CPI trong tháng 4/2024 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo trước đó tăng 0,4%, nhưng CPI tính theo năm vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ giảm nhẹ hơn mức tăng của tháng trước là 3,5%.
Cùng với Mỹ, châu Âu cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng chỉ đi ngang tháng trước. Lạm phát vẫn ở mức cao, do đó thị trường lo ngại rằng các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu là Cục dự trữ Liên bang và ECB sẽ chưa cắt giảm lãi suất điều hành đồng USD vào tháng 9 như dự báo trước đó.
Trong khi đó tại Trung Quốc giá nhà lại giảm sâu, bất chấp chính phủ và các cơ quan chức năng nước này đã có nhiều biện pháp “cứu” thị trường bất động sản. Doanh số bán lẻ tháng 4 tại Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Những dữ liệu kinh tế trái chiều của 3 nền kinh tế và khu vực có nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cho thấy viễn cảnh kinh tế khó lường. Trong khi tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc đang giảm sút thì Mỹ lại đánh thuế tăng nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc và quốc gia này. Tổng cộng các biện pháp đánh thuế mới của Mỹ đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc sẽ là 18 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 300 tỷ USD đã đánh trước đó từ thời ông Donald Trump kể từ 2018.
Những thông tin kinh tế kém hơn dự báo, cộng với căng thẳng địa chính trị và căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đã khiến giới đầu tư lo ngại rủi ro gia tăng trên thị trường.
Trong khi đó, đồng USD đã giảm mạnh trong giỏ tháng toán quốc tế, do đó nhà đầu tư đã chuyển từ năm giữ USD sang đầu cơ vàng, đẩy giá kim loại quý tăng cao.
Giá vàng trong nước
Sáng 19/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,7 - 90,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm ngày 18/5.
Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 75,6- 77,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm ngày 18/5.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 85,2 - 86,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm ngày 18/5.
Giá vàng nhẫn ở mức 73,9- 75,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm ngày 18/5.
Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87,85 - 90,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm ngày 18/5.
Giá vàng nhẫn ở mức 75,72 - 77,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 340 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm ngày 18/5.
Minh Hoa (t/h theo Kinh tế & Đô thị, báo Tin tức)