Nhằm hưởng ứng ngày Lương thực thế giới 16-10 hàng năm, Ngân hàng thực phẩm (Foodbank) Việt Nam tổ chức hội thảo Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững: "Cơ hội và Thách thức" và ra mắt dự án Chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm (Food share).
Việt Nam đứng thứ 2 về lãng phí thực phẩm
Theo ông Craig Nermit - Giám đốc dịch vụ Foodbank toàn cầu (GFN) chia sẻ tại sự kiện, hiện nay, nguông thực phẩm trên thế giới bị lãng phí rất nhiều. Cụ thể, theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy 1/3 thực phẩm trên thế giới bị hư hỏng hoặc bỏ đi trong quá trình vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ, gây thiệt hại đến 940 tỷ USD/năm.
Cũng theo một khảo sát khác do Electrolux thực hiện trên quy mô 4.000 hộ gia đình tại 8 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm, chỉ xếp sau Trung Quốc...
Trước bối cảnh nguồn lương thực, thực phẩm bị lãng phí và vứt bỏ từ các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp phân phối, nhà vườn,... thì còn vô số người bị thiếu ăn ngoài xã hội. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng do thiên tai, lũ, bão Noru miền Trung vừa qua, không chỉ làm gián đoạn hệ thống nông nghiệp thực phẩm mà còn gây ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sinh kế và thu nhập, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và bất bình đẳng.
Điều này nhắc nhở rằng đại dịch là thách thức toàn cầu gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống lương thực thực phẩm; gây ra đợt suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ.
Hệ thống lương thực thực phẩm, bao gồm toàn bộ chuỗi hoạt động liên quan đến cách chúng ta trồng trọt, chế biến, đóng gói, vận chuyển, lưu trữ, tiếp thị, mua và tiêu thụ thực phẩm của chúng ta, đóng một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và phát triển nông thôn. Hệ thống lương thực thực phẩm trên thế giới và tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể do biến đổi khí hậu, đại dịch COVID19 và gần đâu là thiệt hại do bão lũ Noru diễn ra tại miền Trung và cách tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng.
Do đó, việc phát triển hệ thống nông nghiệp địa phương và chống lãng phí thực phẩm được xem là giải pháp thiết thực giúp làm giảm tỷ lệ người đói cũng như “giảm nghèo” hiệu quả nhất, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về giảm thiểu nạn đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Việc thực phẩm được sản xuất ra nhưng không được tiêu thụ mà chuyển thành "rác" không chỉ gây ra thiệt hại kinh tế mà còn làm ô nhiễm môi trường do sử dụng tài nguyên nhiều hơn nhu cầu cũng như phát sinh vấn đề xử lý rác thải.
Ngoài ra, giữa lúc thực phẩm bị lãng phí thì rất nhiều người bị thiếu lương thực, thực phẩm đòi hỏi xã hội phải đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề.
Tại Việt Nam, Foodbank Việt Nam đã có sáng kiến dùng công nghệ để chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm cũng như thúc đẩy thành lập Hiệp hội Chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm nhằm tạo tác động tích cực, giúp Việt Nam sớm ban hành hành lang pháp lý trong hoạt động chống lãng phí thực phẩm.
Tìm giải pháp chống lãng phí thực phẩm bằng công nghệ
Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Foodbank Việt Nam cho biết sẽ ra mắt một mạng xã hội (đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép) cùng với một ứng dụng (app) giúp kết nối trực tiếp người có nhu cầu chia sẻ thực phẩm và bên cần.
Foodbank Việt Nam nhiều năm nay luôn nhận thực phẩm từ bên trao tặng, chuyển về kho sau đó phân phối đến bên cần. Cách làm này cũng gây tốn nguồn lực trong việc vận chuyển hàng, bảo quản còn cách làm mới giống như "Uber" trong việc chia sẻ thực phẩm.
Một nội dung dự án quan tâm là kiến nghị chính sách để Việt Nam sớm ban hành Luật về chống lãng phí thực phẩm để hỗ trợ, khuyến khích các giải pháp chống lãng phí thực phẩm cũng như có chế tài đối với hành vi lãng phí thực phẩm.
"Ví dụ như Trung Quốc hiện nay đã có chế tài đối với các người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) quảng bá việc ăn uống vô độ hoặc lãng phí thực phẩm (các clip mukbang – PV)", ông Khởi chia sẻ.
Tại Việt Nam, cơm/bún/phở/mì chiếm tỉ trọng lớn nhất trong biểu đồ những loại thức ăn bị lãng phí (68%), kế đến là thịt/cá nấu chín (53%) và rau củ (44%).
Dịp này, Foood Bank tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng ngày hội hưởng ứng ngày Lương thực thực phẩm thế giới với quy mô 1000 người đến tham gia.
Cụ thể, 50 gian hàng thực phẩm của các doanh nghiệp, tổ chức, trường Đại học, Cao Đẳng về thực phẩm,... sẽ trực tiếp trưng bày và chế biến các thực phẩm, món ăn hiện tại tổ chức doanh nghiệp kinh doanh tại ngày hội. Nhằm mang lại những món ăn đa dạng cho người khó khăn đến trải nghiệm, đồng thời sẽ bán các sản phẩm trưng bày cho những đối tác, doanh nghiệp cùng đến tham gia, thu nguồn vốn gây quỹ cho Food Bank Việt Nam hỗ trợ người khó khăn trong dự án sắp tới.
Đồng thời, 300 trẻ em khó khăn đến từ các Mái Ấm, Trung Tâm Bảo Trợ, Trường Tình Thương cùng đến tham gia ngày hội, thưởng thức ẩm thực tại không gian ngày hội, vui chơi và nhận quà trực tiếp từ Food Bank Việt Nam.
FoodBank Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như một trung tâm chứa thức ăn cho các tổ chức từ thiện và các nhóm cộng đồng nuôi dưỡng những người đói. Hướng đến xóa đói giảm nghèo nâng cao ý thức tiết kiệm và phòng chống lãng phí thực phẩm; hỗ trợ điều phối và kết nối nguồn thực phẩm; dự trữ thực phẩm để ứng phó kịp thời khi có tình huống khẩn cấp, thiên tai xảy ra.
Bắt đầu thí điểm tại TP.HCM, đến nay FoodBank Việt Nam đã mở rộng các FoodBank mini tại Hà Nội, Bến Tre,... Cung cấp suất ăn cho người đói và có nhu cầu, giảm thiểu số lượt người đói và chống lãng phí thực phẩm.
Nguyễn Lành