Ngày 27/10, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tổ chức một buổi tọa đàm tại Hà Nội với sự tham gia của ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, và ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Minh Cường điểm qua những thách thức và triển vọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong tháng 9, nhờ sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, ổn định chính trị, cũng như thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19. Ông cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối đồng đều ở các lĩnh vực, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ.
Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài và người dân cũng khá khả quan, trở thành chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế.
Rủi ro đối với kinh tế Việt Nam
Tuy nhiên, ông Cường cho biết, bên cạnh những tín hiệu tích cực, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động rõ rệt của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là tình hình lạm phát toàn cầu, khiến các quốc gia đứng trước lựa chọn khắc nghiệt là phục hồi kinh tế hay chống lạm phát.
Trước áp lực lạm phát leo thang, nhiều quốc gia đã lựa chọn thắt chặt lãi suất, tạo tác động dây chuyền đến toàn bộ thị trường vốn, thị trường tiền tệ trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Theo ông Cường, đây là một trong những rủi ro bên ngoài lớn nhất đối với Việt Nam.
Việc thắt chặt lãi suất ở các quốc gia phát triển có ảnh hưởng khác nhau lên từng khu vực của châu Á, nhưng nhìn chung, lạm phát nhập khẩu tăng ở hầu hết các quốc gia khu vực này.
Bên cạnh đó, tỉ giá cũng bị ảnh hưởng. Hàng loạt đồng nội tệ ở châu Á đã bị mất giá, tuy nhiên đồng VND mất giá không đáng kể, giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đây sẽ là một trở ngại đối với nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vì nó ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, ông Cường nhận định.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng mặc dù đồng VND ít mất giá hơn so với đồng USD, nhưng lại tăng với hầu hết các đồng tiền khác của đối tác cạnh tranh thương mại với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Philippines. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam, vì ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.
Đánh giá về các động thái của ngân hàng nhà nước Việt Nam, ông Cường cho rằng việc ngân hàng nhà nước tăng lãi suất 2 lần trong vòng một tháng qua là một động thái phù hợp trong thời điểm này.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, không chỉ ADB mà các tổ chức quốc tế khác cũng hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam, ông Cường kết luận.
Ưu tiên tăng trưởng xanh
Trong phần phát biểu của mình, ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc Quốc gia ADB đưa thông tin sơ lược về ưu tiên chiến lược của ADB tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2026.
Theo ông Mitsuhashi, ADB đã xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) cho Việt Nam, trong đó mô tả những lĩnh vực mà ADB sẽ tham gia để hỗ trợ cho Việt Nam.
“Mục tiêu của CPS là đảm bảo sự phù hợp và hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, ưu tiên các nội dung về tăng trưởng xanh, phát triển khu vực tư nhân, chuyển đổi số và những lĩnh vực khác nhằm giúp Việt Nam thực hiện hoài bão trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030”, ông Misuhashi cho biết.
Ngoài sự hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ADB cũng sẽ tích cực kề vai sát cánh cùng Việt Nam trong việc thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ông Mitsuhashi khẳng định.
Bài phát biểu của Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam tập trung vào cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM), một sáng kiến của ADB được đưa ra ở Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Theo ông Jeffries, Việt Nam hiện chưa có hoạt động trong khuôn khổ liên quan đến cơ chế này được triển khai, nhưng ADB tin rằng ETM sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. “Vai trò của ADB là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, nên ADB hy vọng có thể giới thiệu, chia sẻ thông tin về ETM với Việt Nam và tiến hành nghiên cứu tính khả thi ban đầu của ETM ở Việt Nam và trình bày các đề xuất đối với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”, ông Jeffries chia sẻ.
Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ rất cao, tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Vì vậy, Việt Nam sẽ cần phải đầu tư hàng trăm tỷ USD để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong thời gian tới.
Về việc ADB đang để mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%, ông Jeffries cho biết, “Chúng tôi biết rằng Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức cao hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên mức dự báo vì chúng tôi thấy rủi ro ngày càng tăng trên phương diện toàn cầu và có thể ảnh hưởng đến Việt Nam”.
Nguyễn Tuyết