Trước ý kiến xung quanh Lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp THPT, ngày 23/4, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc phân chia thời lượng môn học phù hợp xu hướng quốc tế, có căn cứ khoa học.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên, nhà nghiên cứu vẫn có nhiều lo ngại, băn khoăn trước việc môn Lịch sử sẽ đi về đâu khi vốn đây là môn học có mức điểm thấp trong các kỳ thi, học sinh cũng không mấy “mặn mà” và có ít cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Giáo viên lo lắng là có cơ sở
Trao đổi với Người Đưa tin, thầy Trần Trung Hiếu, THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bày tỏ rằng nên cần thời gian để có những đánh giá chính xác nhất: “Trên các trang mạng xã hội phản ánh Bộ GD&ĐT bỏ môn Lịch sử là không đúng. Lịch sử vẫn còn tên môn, vẫn có chương trình và sách giáo khoa Lịch sử ở bậc THPT. Chỉ khác nhau là Lịch sử từ một môn học bắt buộc lâu nay, kể từ năm học 2022-2023 là một trong những môn học tự chọn của học sinh THPT”.
Trước đó, cuối năm 2017, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo, lấy ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung, chương trình môn Sử nói riêng. Lịch sử cùng với nhiều môn khác trở thành môn học tự chọn.
Nhưng nhiều người không quan tâm, hoặc không biết. Bây giờ, chuẩn bị kết thúc năm học cũ và còn 5 tháng nữa sẽ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới bậc THPT từ lớp 10, dư luận mới dậy sóng.
Theo thầy Hiếu, trong nhiều ngày qua, rất nhiều giáo viên Lịch sử phổ thông đang lo lắng, buồn phiền, bức xúc về việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn. Tâm trạng đó là có cơ sở.
Trước những lo lắng, băn khoăn về việc học sinh sẽ không lựa chọn môn Lịch sử, thầy Hiếu chia sẻ: “Khi một chủ trương, chính sách được ban hành mà có những bàn luận, tranh luận, phản biện cũng là chuyện bình thường.
Chuyện đúng hay sai của vấn đề này như thế nào với các môn tự chọn nói chung, môn Sử nói riêng, tôi cho rằng phải chờ thời gian. Nói chính xác là học sinh lớp 10 của năm học mới 2022-2023 mới là người trả lời thuyết phục nhất về sự chọn hay không chọn môn Lịch sử là môn học, môn thi”.
Dưới góc độ là giáo viên dạy môn Lịch sử, thầy Phan Đình Trình, giáo viên Lịch sử tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) lo lắng trước những quyết định sắp tới: “Việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đối với khối THPT đó là hành động xem nhẹ môn học.
Chương trình giáo dục mới, nội dung không còn theo kiểu đồng tâm như trước, vì vậy nhiều nội dung ở cấp THCS và Tiểu học học sinh không được học, nếu các em bỏ và không chọn môn Lịch sử sẽ là thiếu sót và có nguy hại đối với nhận thức lịch sử của các em”.
Ở đây, thầy Trình đánh giá rằng việc các em không nhận thức đầy đủ bản chất các vấn đề lịch sử, từ đó ảnh hưởng đến thái độ sống, lòng yêu nước. Không nhận thức được bài học sẽ dẫn đế những sai lầm trong hiện tại và tương lai.
“Hiện nay, phần lớn chúng ta chỉ nhìn nhận giá trị kinh tế trước mắt, không chú trọng những giá trị tinh thần, văn hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà tỉ lệ học sinh lựa chọn môn lịch e rằng không cao nhất là ở những thành phố lớn ”, thầy Trình bày tỏ.
Tuy nhiên, dưới góc độ là người truyền đạt kiến thức, thầy Trình cũng đánh giá Chương trình giá dục 2018 đã có nhiều thay đổi phù hợp khi học lịch sử theo các chủ đề, logic, với cách tiếp cận môn học kiểu mới.
Lịch sử không chỉ là những con số
Cách tiếp cận hiện nay vẫn đang bị bó hẹp, trên thực tế, bộ môn này có tác động nhiều mặt, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực.
Chia sẻ dưới góc độ là người nghiên cứu văn hóa, lịch sử TS.Đinh Hồng Cường, Nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử Việt Nam bày tỏ: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, học sinh, sinh viên lựa chọn các nhóm ngành thiên về khoa học tự nhiên, công nghệ, quản trị kinh doanh... là xu hướng tất yếu của xã hội.
Tuy nhiên, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới đều ý thức sâu sắc tầm quan trọng của bộ môn Lịch sử. Đây được coi là bộ môn nòng cốt, không phải tranh luận là chọn hay không chọn”.
Lịch sử là “quặng vàng” của dân tộc, nếu chúng ta biết cách khai thác có hiệu quả sẽ mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống hôm nay. Những bài học lịch sử, nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc sẽ giúp làm giàu vốn sống và là hành trang tri thức vững chãi cho các em sau này.
Theo chuyên gia, học sinh không có lỗi trong việc học hay loại bỏ bộ môn Lịch sử. Chính người làm giáo dục và người làm chính sách phải là những người định hướng, tạo sân chơi học thuật cho các em. Cần phải đánh giá đúng tầm mức của bộ môn Lịch sử.
“Lịch sử không chỉ là câu chuyện của chiến tranh, của những sự kiện, ngày tháng năm khô khan mà còn là âm nhạc, nghệ thuật, hội hoạ, tôn giáo, kinh tế, các hình thái xã hội,…Từ đó tạo thành bức tranh tổng thể.
Việc giảng dạy lịch sử không nên bó hẹp ở lớp học khô khan mà nên có những chuyến điền dã trải nghiệm tại các bảo tàng, điểm di tích lịch sử nổi tiếng, đóng vai các nhân vật lịch sử, diễn kịch để có thêm nhiều trải nghiệm, dễ dàng ghi nhớ những sự kiện’, ông Cường bày tỏ.