Giới trẻ đi tìm nữ tính qua lớp học nấu ăn, thêu thùa

Giới trẻ đi tìm nữ tính qua lớp học nấu ăn, thêu thùa

Thứ 2, 21/01/2013 | 10:07
0
Trào lưu đi học nấu ăn, tập thêu tranh chữ thập đang khiến các cô nàng tuổi teen dần lấy lại nữ tính của mình.

Rộ mốt tranh thêu chữ thập

Từ một năm trở lại, mốt tìm mua các sản phẩm tranh thêu chữ thập đang rất thu hút các bạn trẻ. Từ những bức tranh mua sẵn, nhiều người lớn và teen nữ tìm đến với những bộ tranh để tập thêu. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn. Một bộ sản phẩm thường bao gồm khung tranh với các đường chỉ được in sẵn thuận tiện cho người học thêu, bộ chỉ các màu, vải, kim thêu, bút...

Giá của một bộ sản phẩm từ 120.000- 500.000 đồng/bộ tuỳ theo kích cỡ và số lượng chỉ màu. Những người đến với loại hình thêu tranh này nhiều nhất là chị em dân văn phòng hay các bà nội trợ. Mỗi người có một ý niệm và mục đích riêng khi tìm đến việc thêu thùa này như: Tò mò, thấy lạ, có người vì muốn xả stress, thư giãn hay đơn giản là muốn tự tay tạo nên một bức tranh thêu để treo trong nhà.

Tranh thêu truyền thống khá cầu kì nên phải thêu rất lâu và không phải ai cũng có thể thực hiện được. Nhưng tranh thêu loại mới hiện nay được thiết kế dễ hơn cho chị em "tập sự". Tranh thêu chữ thập là loại tranh thêu theo công thức được in trên loại vải aida, có các ô đều nhau khi thêu tạo thành chữ thập một cách đều đặn. Tranh thêu chữ thập đơn giản nên bất kỳ ai cũng có thể thêu, người thêu có thể thêu tranh ở mọi nơi, bất cứ khi có thời gian rảnh.

Dần dần, xu hướng này lan sang bộ phận giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Chị Mai Lan (Minh Khai, Hà Nội) cho biết: "Ban đầu mình mua một bộ tranh Vinh quy bái tổ, để tự thêu, treo trong nhà. Ai ngờ cô con gái mới học lớp 10, thấy mẹ thêu cũng thích, cứ nằng nặc đòi mẹ mua và dạy thêu cho. Tưởng chỉ là sở thích nhất thời, chán lại bỏ xó nhưng đến nay cô con gái  đã thêu xong ba bức xinh xắn rồi. Trước đó, nó nghịch lắm, như con trai ấy".

"Thích nhất là ra hàng mua bộ tranh về thêu thấy nhiều bức hình thù ngộ nghĩnh đúng chất teen. Con gái càng xem càng mê mẩn, nhưng sợ ảnh hưởng đến việc học tập nên mỗi ngày, mình chỉ cho con tập thêu trong vòng một tiếng đồng hồ. Dịp cuối tuần được nghỉ thì tha hồ thêu, coi như vừa cho con xả stress vừa rèn luyện tính kiên nhẫn, nhu mì. Cứ tưởng lũ trẻ bây giờ chỉ thích những trò hiện đại, "chat chít" máy tính, ai ngờ cũng biết tìm về giá trị truyền thống, tìm về bản chất vốn có của người phụ nữ", chị Lan tâm sự.

Xã hội - Giới trẻ đi tìm nữ tính qua lớp học nấu ăn, thêu thùa

Các học viên tuổi teen tại lớp nấu ăn.

Tại Hà Nội, tranh thêu chữ thập ban đầu chỉ được bán ở vài shop lưu niệm với các mẫu thêu nhỏ đơn giản. Nhưng từ khi các bạn trẻ đua nhau tập thêu, nhiều dãy phố chuyên bán hàng lưu niệm như: Đội Cấn, Ngụy Như Kon Tum, Lý Nam Đế, Hoàng Quốc Việt, Láng Hạ... đã chuyển sang bán tranh thêu với đủ mọi mẫu mã kiểu dáng, dành cho các lứa tuổi. Trên các chợ ảo, nhiều shop cũng rao bán tranh thêu với rất nhiều hình con vật ngộ nghĩnh, dễ thương dành cho lứa tuổi teen.

Linh Tâm, sinh viên ĐH Quốc gia cho biết, thấy các bạn trong lớp đua nhau mua các bộ tranh về để tự thêu. Em thấy khá thích thú nên cũng mua thử một bộ cỡ nhỏ. Không chỉ là một thú vui giải trí thông thường, thêu tranh giúp em tập trung, rèn tính kiên nhẫn, bớt nóng nảy. Sau mỗi giờ học căng thẳng hay gặp phải chuyện buồn, nhớ bố mẹ, gia đình, em lại tìm đến tranh thêu.

"Ngồi thêu từng đường kim mũi chỉ, thấy mỗi nét đều thể hiện suy nghĩ của mình, thấy mình như đang được trải lòng, em cũng trở nên mềm mại và nữ tính hơn. Tranh thêu còn là món quà tuyệt vời, em dành tặng cho bố mẹ, cho những người thân yêu, cho một nửa yêu thương. Khi nhận được bức tranh thêu của em, bạn trai em vui lắm. Anh ấy bảo như tìm lại được những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa" - Linh Tâm trải lòng.

Bà Khương Thị Minh Nguyệt - đại diện hệ thống phân phối tranh thêu chữ thập Candy Shop - cho biết: "Số lượng người quan tâm đến tranh thêu chữ thập ngày càng nhiều, có những thời điểm website www.tranhtheuchuthap.vn của chúng tôi gần như quá tải. Chúng tôi rất vui khi được góp phần giữ gìn và phát triển nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt".

Không biết nấu ăn thì sợ... "ế"

Ngoài mốt tranh thêu, không ít cô gái trẻ còn sắp xếp thời gian để tham gia các khoá học nấu ăn. Bởi trong cuộc sống hiện đại bận rộn, lịch học tập kín mít, nhiều em gái hoàn toàn mù tịt về nữ công gia chánh, đặc biệt là việc nấu ăn, bếp núc. Minh Thu (Ngọc Lâm, Hà Nội) tâm sự, là một 9x nên hồi nhỏ, thời gian của em dành hết cho việc học tập. Nấu ăn hay làm việc nhà gần như em ít khi động tay, động chân, hay nói đúng hơn là không phải làm. Sau khi em đỗ đại học, thi thoảng các bạn trong lớp có tổ chức nấu ăn. Thấy em lóng ngóng, đến nhặt rau, rửa bát còn khổ sở, ai cũng trêu đùa không biết nấu ăn thì chỉ có... "ế" chồng.

"Em về nói chuyện với bố mẹ. Bố em cũng khuyên nên đi học một khoá nấu ăn để sau còn chăm lo và giúp đỡ gia đình. Mẹ thì động viên, tình yêu của đàn ông đến từ cái dạ dày, không biết nấu ăn là mất lợi thế của phụ nữ. Nghĩ vậy, em đăng kí học ngay một khóa nấu ăn ở phố Quán Sứ, sau một tháng, em đã biết nấu sơ sơ khoảng 30 món. Nhiều khi đi học về, em còn làm "gia sư" dạy lại cho mẹ nấu mấy món mới", Thu chia sẻ.

Thu cũng cho biết thêm, những ngày đầu đi học nấu ăn với cô, rất đáng sợ. Ở lớp học cũng có khá đông các bạn cùng trong lứa tuổi của Thu, thậm chí có cả em còn đang học cấp III. Nhiều em đến việc nấu cơm đơn giản còn trên chín dưới khê, tứ bề nhão nhoét thì mấy món phức tạp hơn càng hoảng. Học rồi, ai cũng thấy thích.

Thầy Khắc Trà, giảng viên của lớp nấu ăn Quán Sứ cho biết, ngoài đối tượng đi học để lấy bằng hành nghề nấu ăn, nhiều em học sinh, sinh viên cũng tham gia các khoá học. Đặc biệt là vào các dịp hè, lượng học sinh, sinh viên đi học nấu ăn khá đông. Đa phần là các em sinh ra trong gia đình khá giả, có điều kiện, không hề biết gì về việc nấu ăn, bếp núc. Nhiều buổi nấu thử, mặc dù có sự hướng dẫn của thầy cô giáo nhưng các học viên tiểu thư rơi vào tình trạng lúc cháy, lúc mặn, lúc nhạt.

"Cứ nghĩ đến việc đụng vào dao kéo, hơi tí đã đứt tay, chiên rán đồ ăn còn dễ bị bỏng là ai cũng ngại ngùng, đùn đẩy nhau. Thế nhưng, chỉ sau nửa tháng "tầm sư học đạo", các bạn tiến bộ lên trông thấy. Ngoài việc biết nấu, nướng các món ngon, những cô nàng vụng về còn học được kha khá "bí kíp" như làm thế nào để xào mì cho giòn, tỉ lệ pha nước chấm sao cho vừa miệng, cách luộc cua, ghẹ thế nào cho đẹp, không bị gẫy càng, ngon", thầy Trà bật mí.

Để thỏa mãn nhu cầu thời gian cho các học viên, hầu hết các trung tâm đều có thời khoá biểu mở, ngày học nhiều ca và tuyển sinh liên tục. Mỗi khóa học thường kéo dài từ 2 - 3 tháng. Chỉ cần theo một khóa cơ bản là học viên có thể dắt lưng chừng 100 - 150 món, vừa là món ăn thường ngày, vừa là món làm tiệc, với khẩu vị Á, Âu khá đa dạng, đủ cả rau, thịt, bánh trái...

Học phí mỗi khóa cũng tương đối phù hợp, chỉ từ 1- 1,5 triệu đồng/khóa. Ngoài ra, mỗi buổi thực hành, học viên sẽ đóng thêm khoảng 20.000 - 30.000 đồng để mua vật liệu. Sau khi học lí thuyết xong, các em sẽ bắt tay ngay vào việc thực hành. Với mỗi món ăn hoàn thành, các em sẽ được thưởng thức ngay thành quả của mình để tự đánh giá về "trình độ" nấu ăn.

Trung tâm dịch vụ việc làm 20/10 với 2 cơ sở ở Quán Sứ và Nguyễn Chí Thanh, có lớp nấu ăn cơ bản (3 tháng) học phí 500.000 đồng/tháng. Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm có lớp học 2 tháng, học phí 1 triệu đồng/khoá. Trung tâm auả Táo Vàng ở Kim Mã Thượng dạy nấu ăn cao cấp từ 2- 3 tháng, học phí nhỉnh hơn, với 1,8 triệu đồng/người.

Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều em gái không biết nấu ăn, sợ làm việc nhà và lấn quá sâu vào thế giới ảo bên chiếc máy tính, nên học nấu ăn là cần thiết. Nhiều teen vẫn có tâm lý ỷ nại vào việc gia đình đã thuê người giúp việc hoặc chọn cách đi mua thức ăn sẵn, đi ăn ngoài tiệm cho đỡ mất công nấu nướng. Thế nhưng, sự đảm đang, khéo léo lại là một nét đẹp không thể mất đối với người con gái Việt Nam. Đối với các em nhỏ cũng vậy, học nấu ăn cũng là học một nét đẹp truyền thống, học một việc làm rất bổ ích cho cuộc sống sau này.             

Phương Thu

Giới trẻ bị hút hồn bởi thú nuôi ‘tiểu sư tử’

Thứ 2, 07/01/2013 | 08:39
Những chú thỏ với hình dáng y hệt sư tử được giới trẻ săn tìm ráo riết. Để có thể sở hữu cho mình một chú "sư tử con", nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại vung tay chi tiền triệu...

Mê mẩn loài chuột có khả năng nhảy cao kỳ lạ

Thứ 2, 21/01/2013 | 08:44
Sau "cơn sốt" chuột hamster, nuôi chuột nhảy (chuột gerbil) đang trở thành trào lưu mới trong giới trẻ.

Giá tăng, sinh viên rủ nhau… “chơi sang”

Thứ 2, 21/01/2013 | 09:49
Thay vì thở dài mỗi khi đổ bình gas mini, nhiều phòng sinh viên sắm hẳn bếp ga lớn; thay vì đi chợ mua lẻ đắt đỏ, sinh viên rủ nhau đi siêu thị như mua sỉ… để có mức giá tiêu dùng rẻ hơn.