Công dụng của cải bó xôi
Cải bó xôi giúp ngăn ngừa ung thư: Cải bó xôi và các loại rau xanh khác được chứng minh là chứa nhiều chất diệp lục có tác dụng ngăn chặn các amin dị vòng được tạo ra khi nướng thực phẩm ở nhiệt độ cao. Do đó, loại thực phẩm này còn hỗ trợ trong việc ngừa ung thư.
Giúp điều hòa huyết áp: Những người bị huyết áp cao nên thường xuyên dùng cải bó xôi. Hàm lượng kali cao trong loại thực phẩm này sẽ giúp khống chế hàm lượng natri trong máu. Cơ thể chứa quá nhiều natri gây ra nguy cơ bị huyết áp cao tương tự như khi cơ thể bạn thiếu kali.
Tốt cho da và tóc: Cải bó xôi chứa nhiều vitamin A cần thiết cho quá trình tiết chất nhờn và quá trình phát triển của các mô cơ, kể cả da và tóc. Bên cạnh đó, các loại rau có lá màu xanh sẫm như cải bó xôi thường có chứa nhiều vitamin C - dưỡng chất thiết yếu giúp hình thành và duy trì collagen, quy định cấu trúc của da và tóc. Ngoài ra, nó cũng cung cấp một lượng sắt cần thiết cho cơ thể, giúp ngăn ngừa thiếu sắt - nguyên nhân chính gây rụng tóc.
Tốt cho người bị bệnh tiểu đường: Cải bó xôi chứa các chất chống oxy hóa như axit alpha-lipoic giúp giảm lượng đường trong máu, tăng tính năng nhận biết của cơ thể đối với hormone insulin và ngăn ngừa khả năng oxy hóa gây căng thẳng ở những người bị bệnh tiểu đường.
Phòng chống các bệnh tim mạch: Thành phần của rau cải bó xôi có chất C0-Q10 là chất chống oxy hóa có vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ bắp, đặc biệt là cơ tim. Theo tạp chí Cardiovascular Nursing, C0-Q10 có thể được sử dụng để phòng tránh và điều trị cho bệnh nhân bị các bệnh tim mạch như tăng lipid máu, suy tim, cao huyết áp và bệnh mạch vành.
Có lợi cho hệ bài tiết: Cải bó xôi chứa hàm lượng chất xơ và nước cao, giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện hệ tiêu hóa.
Giúp ngăn ngừa loãng xương: Cải bó xôi có canxi, mangan và vitamin K, rất quan trọng cho sự phát triển và giúp cho xương khỏe mạnh. Cơ thể luôn đào thải và xây dựng lại mô xương. Loãng xương là một tình trạng khiến xương yếu và dễ gãy, xảy ra khi lượng xương mới không thay thế đủ cho xương đã bị phá vỡ. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ canxi, khả năng bị loãng xương sẽ cao hơn.
Chống loét dạ dày: Rau cải chân vịt và một số loại rau khác có khả năng bảo vệ màng nhầy dạ dày, ngăn ngừa bệnh loét dạ dày. Hơn nữa, glycoglycerolipid trong loại cải này có thể tăng cường “sức mạnh” của thành tiêu hóa, ngăn ngừa bất kỳ triệu chứng viêm nào gây hại cho cơ thể.
Cách làm sinh tố cải bố xôi để giảm cân
Sinh tố dưa leo, cần tây và cải bó xôi
Nguyên liệu: 80gr lá cải bó xôi, 50gr cải xoăn, 2 nhánh cần tây, 1 quả dưa leo, 1 lát gừng, 1 quả chanh vàng.
Cách làm: Rửa sạch các loại rau, củ. Cải bó xôi và cải xoăn cắt bỏ phần cuống, giữ phần lá. Cần tây cắt khúc khoảng 4cm. Dưa leo cắt thành các khoanh khoảng 2-3cm.
Cho các loại rau và dưa chuột vào máy xay sinh tố cùng 1 lát gừng và nước cốt 1 quả chanh vàng. Bấm máy xay nhuyễn các nguyên liệu là xong.
Sinh tố cải bó xôi, chuối, dứa, táo
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 20gr lá cải bó xôi, 100gr dứa, 1 quả chuối, 1 quả táo.
Cách làm: Bạn rửa sạch cải bó xôi, để ráo. Cắt nhỏ dứa, chuối và táo.
Giờ thì bạn chỉ cần cho dứa, táo, chuối, cải bó xôi vào máy xay sinh tố cùng 20-30ml nước lọc hoặc sữa tươi không đường/sữa hạt. Bấm máy xay nhuyễn các nguyên liệu rồi rót vào cốc là có thể thưởng thức được rồi.
Trên đây là 2 loại sinh tố cực dễ làm từ cải bó xôi mà chị em có thể tham khảo. Ngoài 2 công thức này, bạn hoàn toàn có thể kết hợp cải bó xôi với các loại hoa quả, rau củ khác nha.
Trúc Chi (t/h theo Gia Đình, Sức khỏe & Đời sống)