Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sắp tới sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000 căn hộ tại các dự án vi phạm.
Cụ thể, tại phiên họp giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay trên địa bàn TP. Hà Nội được tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô còn 206 dự án nhà ở tương đương 62.000 căn hộ có vướng mắc do sai phạm về quy hoạch, tự ý chuyển đổi công năng, nghĩa vụ tài chính.
Sở đã giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở 777 dự án chung cư. Trong đó có 571 khu nhà ở đủ điều kiện được cấp sổ.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, Hà Nội còn 206 dự án với khoảng 62.000 căn hộ có sai phạm do vướng mắc về quy hoạch hoặc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý
Tuy nhiên, Hà Nội còn 206 dự án với khoảng 62.000 căn hộ có sai phạm do vướng mắc về quy hoạch hoặc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều dự án xây sai phép so với quy hoạch và thiết kế, chủ đầu tư tự ý tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chuyển nhượng dự án theo hình thức công ty mẹ cho công ty con.
“Trong số 62.000 căn hộ nói trên, Sở đã báo cáo UBND thành phố để cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000 căn hộ xây đúng quy hoạch. Còn 29.000 căn hộ xây dựng vi phạm quy hoạch đang chờ xử lý. Việc cấp sổ cho người dân sẽ thực hiện song song cùng với xử lý vi phạm của chủ đầu tư. Việc này Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc", ông Nam thông tin.
Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo về việc cho phép tồn tại hay không, xử phạt thế nào với các công trình vi phạm. "Sở sẽ bám sát Thanh tra Chính phủ để sớm giải quyết kiến nghị của cử tri", ông Nam cho biết thêm.
Được biết, tình trạng người mua căn hộ hàng chục năm nhưng không được cấp sổ hồng do dự án xây sai phép phổ biến tại Hà Nội. Đơn cử dự án New Horizon City tại 87 Lĩnh Nam (Hoàng Mai) có hơn 1.000 căn bị "treo" sổ, CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông) có gần 500 căn, chung cư 79 Thanh Đàm (quận Hoàng Mai) gần 400 căn, chung cư 16B Nguyễn Thái Học (Hà Đông) hơn 380 căn, VP3 Linh Đàm (Hoàng Mai) với 259 căn... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua nhà như không được nhập hộ khẩu, khó thế chấp vay vốn ngân hàng hay chuyển nhượng.
Góp ý về thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Nam (quận Thanh Xuân) cho rằng, việc cấp sổ hồng cho công trình sai phạm là sẽ tạo tiền lệ xấu với các chủ đầu tư. Sau này sẽ càng nhiều công trình sai phạm hơn, vì họ cứ cho rằng nếu có sai rồi cũng được hợp thức hóa, đồng thời người mua cũng chủ quan, coi nhẹ nên vẫn mua-bán nhà tại các dự án sai phạm.
Ông Nguyễn Văn Kim cũng kiến nghị: “Các cơ quan chức năng nên mạnh tay và quán trị trong việc giám sát và xử lý sai phạm, chủ đầu tư làm sai phải chịu trách nhiệm. Không để phạt cho tồn tại để rồi các dự án sau biết sai cứ làm. Với các dự án sai phạm cũng cần giải quyết dứt điểm, hoặc cho tồn tại thì phải khắc phục và cấp sổ hồng cho cư dân, hoặc nếu không thể khắc phục thì cần đập bỏ để đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân. Thực sự phải mạnh tay, quyết liệt mới có thể chấm dứt tình trạng này”...
Có thể thấy, để xảy ra tiền lệ sai phạm từ các CĐT sẽ là trách nhiệm của Cơ quan quản lý bởi một tổ hợp công trình chung cư không thể xây không phép hoặc vượt tầng được nếu cơ quan quản lý kiểm tra định kỳ. Khi đã xảy ra sai phạm, nếu cái cũ không thể đập bỏ thì cũng không nên để treo, mà cần có hướng khắc phục. Các bên cùng tìm hướng giải quyết, nếu cấp được sổ hồng vừa giúp người dân có được nơi ở hợp pháp, Nhà nước vừa tăng thu một khoản thuế phí rất lớn, như: Thuế, phí còn nợ của Chủ đầu tư, phí chuyển nhượng (rất nhiều và rất lớn), tiền phạt sai phạm với CĐT và nhiều khoản thuế phí khác,...
Tuấn Kiệt