Mới đây, tại buổi chất vấn HĐND Tp.Hà Nội chiều 5/7, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định Hà Nội không thiếu trường học. Tuy nhiên, câu trả lời của vị giám đốc Sở vẫn đặt ra cho xã hội nhiều băn khoăn. Bởi trên thực tế, phụ huynh xếp hàng tranh suất học cho con không chỉ mới diễn ra, thậm chí việc nãy còn xảy ra ở các cấp học.
Phân luồng học sinh hay thiếu trường học?
Thay vì “đăng ký” học thì cụm từ “bốc thăm” để được học mầm non ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai còn chưa hết nóng thì lại thấy cảnh phụ huynh xếp hàng từ tờ mờ sáng để nộp hồ sơ cho con vào 10.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024 Hà Nội có tổng số 129.210 học sinh lớp 9. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT là 72.000 học sinh. Theo chỉ tiêu này, chỉ khoảng 55,7% học sinh có chỗ học lớp 10 THPT công lập. Sở GD&ĐT Hà Nội ước tính khoảng 30.000 học sinh khác sẽ vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), số còn lại sẽ được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Đối với các bậc học khác, mỗi năm, Hà Nội lại có thêm khoảng 40.000 - 50.000 học sinh, đồng nghĩa cần thêm ít nhất 20 trường công lập.
Chưa dừng lại ở đó, mặc dù nói là “đủ trường” nhưng sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội thường cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học. Sĩ số học sinh tiểu học ở Hà Nội khoảng 42 học sinh/lớp. Có nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp, nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp (Tại điều 16 chương 2 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách).
Thiếu trường không phải do phụ huynh kén chọn
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm nếu nói người dân “kén cá chọn canh” là không đúng “bệnh”. Bởi theo ông Vinh, thực tế là chúng ta đang thiếu trường, thiếu lớp và thiếu quy hoạch xây dựng trường học. Đây là hệ quả của thiếu quy hoạch tốt trong điều kiện đô thị hóa, hiện tượng di dân về sống ở Thủ đô ngày càng gia tăng.
“Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý khi không dự báo được số lượng học sinh để ưu tiên nguồn lực. Hà Nội tập trung người lao động và con em họ từ nhiều nơi đến, chúng ta xây công trình ngàn tỉ nhưng lại thiếu trường học”, ông Vinh bày tỏ.
Việc ngành giáo dục Hà Nội nói không thiếu chỗ học, chuyên gia cũng cho rằng đó là cách nói chưa nhìn thẳng vào trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục của Thủ đô. “Khi mà cung không đủ cầu về giáo dục, sẽ khiến cho rất nhiều gia đình có con trong độ tuổi đi học hết sức vất vả, lo lắng cạnh tranh để kiếm suất học cho con ở trường công”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhận định.
Bên cạnh đó, học trường công không giảm nhiệt bởi theo chuyên gia người dân không đủ khả năng tài chính cho con học trường tư với nhiều chi phí khác kèm theo.
Về giải pháp phân luồng học sinh, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng chỉ nên phân luồng những học sinh không thể học được ở bậc THPT do sức khỏe, điều kiện kinh tế hoặc không muốn học vì vậy nên tạo điều kiện tối đa để các em được tiếp tục đi học lớp 10.
“Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, người lao động tương lai rất cần nền tảng văn hóa phổ thông trung học để có thể học suốt đời. Bởi vậy, không thể lấy tỉ lệ phân luồng để học sinh THCS vào học nghề”, ông Vinh đánh giá.
Chuyên gia cho rằng ở các thành phố lớn, mật độ dân số, nhà chung cư ngày càng chúng ta nên mở thêm trường công, có chính sách, cơ chế thuận lợi huy động nguồn lực để phát triển giáo dục, giảm áp lực cạnh tranh vào trường công như hiện nay để tạo điều kiện tối đa cho những học sinh muốn có học vấn ở trình độ THPT.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng bày tỏ: “Chúng ta cần có số liệu công khai cụ thể của từng quận/huyện về số lượng trường và số học sinh trên địa bàn, ở Hà Nội đã có rất nhiều quận báo động về tình trạng quá tải nhiều năm nay”.
Theo ông Lâm từng địa phương phải đánh giá nhu cầu học tập từ trước đó nhiều năm, “Thành phố cần có báo cáo hằng năm khi dân cư tăng lên thì cần phải đảm bảo cơ sở vật chất, đầu tư cho giáo dục. Nhiều chủ đầu tư xây nhà bán nhưng không xây trường thì phải công khai và cam kết bao giờ có trường chứ không nên nói chung chung”, chuyên gia cho biết.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, toàn Tp có 188.429 học sinh vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước. Để đáp ứng nhu cầu phòng học cho số lượng học sinh tăng lên, tính trung bình sĩ số 40 em/lớp, Hà Nội cần xây mới 963 phòng học. Trong đó, các quận, huyện có số lượng tăng mạnh như: Hà Đông (5.208 học sinh), Hoàng Mai (3.482 học sinh), Nam Từ Liêm (3.350 em).
Trong khi, ở huyện ngoại thành như Mê Linh, năm nay học sinh đầu cấp cũng tăng gần 2.000 học sinh, trong đó THCS tăng 1.200 em. Hay như huyện Thanh Trì, Trưởng Phòng GD&ĐT Phạm Văn Ngát cho biết, theo số liệu điều tra, cấp mầm non tăng khoảng 1.700 em; vào lớp 6 bậc THCS tăng khoảng 1.500 em.