Sáng nay (16/8), Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với bậc mầm non. Hội nghị được diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã.
Theo báo cáo, năm học này, toàn thành phố có 1.156 trường mầm non; 2.737 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục với tổng số gần 540.000 trẻ. So với năm học 2020-2021, số trẻ ra lớp tăng gần 24.000 trẻ.
Tính đến tháng 5/2022, toàn thành phố có 578 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 72%, trong đó có nhiều trường đã đạt chuẩn mức độ 2. Các quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn và trường đạt chuẩn mức độ 2 cao gồm: Tây Hồ, Long Biên, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì…
Suốt 2 năm dịch bệnh, trẻ mầm non nghỉ học ở nhà trong phần lớn thời gian của năm học, song các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố đã chủ động thích ứng, có nhiều giải pháp sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tuy nhiên, ngành học mầm non cũng còn nhiều khó khăn, nhiều hoạt động bồi dưỡng chuyên môn liên quan đến kiến tập, thực hành cho giáo viên, nhân viên chưa thực hiện được; còn hiện tượng thiếu giáo viên, nhân viên ở một số địa bàn; tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở một số đơn vị chưa bảo đảm…
Năm nay, chủ đề năm học đối với cấp học mầm non được thành phố Hà Nội xác định là “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - hạnh phúc”. Toàn ngành tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có việc bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Phát biểu chỉ đạo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định cấp học mầm non là nền tảng cho sự phát triển toàn diện, bền vững của trẻ ở các cấp học sau, những năm vừa qua, Sở GD&ĐT luôn quan tâm tới cấp học này. Đây cũng là cấp học có nhiều đặc thù và khó khăn, đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn.
Theo ông Trần Thế Cương, năm học 2022-2023, cấp học mầm non đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa trải qua thời gian dài tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã và các nhà trường cần tập trung triển khai các giải pháp hiệu quả để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt công tác dân chủ trong trường học; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu - chi bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai; tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, phấn đấu đạt tỉ lệ từ 80% đến 85% trường chuẩn quốc gia.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045: Tính đến hết tháng 6/2022, toàn Thành phố có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố, với gần 1 triệu sinh viên, học viên.
Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.