Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa kỳ thi vào lớp 10 sẽ được diễn ra, sau khi lấy ý kiến giáo viên và học sinh Hà Nội chốt công 3 môn thi chính thức năm 2023. Đây có thể coi là thời gian gấp rút để các em ôn tập trước thi bước vào kỳ thi.
Trao đổi với Người Đưa Tin, cô Phí Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm chia sẻ: “Hiện nay các thầy cô vừa giảng kiến thức mới nhưng đồng thời ôn tập cho các con, đảm bảo sắp xếp thời gian phù hợp cung cấp kiến thức đồng đều ở các môn học”.
Nhà trường bám sát hệ thống đề ôn luyện đề theo HanoiStudy, cô Phương cho rằng đây là kênh ôn luyện thích hợp, cung cấp nội dung cốt lõi để các em đi thi. Để đảm bảo kiến thức ngoài tập trung ôn tập Toán, Văn, Anh nhà trường vẫn sẽ cho học sinh hoàn thành đầy đủ chương trình học cuối cấp, tránh hiện tượng chỉ học những môn đi thi.
Đưa ra lời khuyên, cô Phương bày tỏ: “Về mặt tâm lý, sự động viên của giáo viên, phụ huynh là rất quan trọng. Cần định hướng chọn trường đúng và phù hợp với khả năng để giảm áp lực cho các con. Tránh đặt nguyện vọng quá cao rất sẽ gây khó cho học sinh sau này”.
Sớm có kế hoạch cho học sinh ôn tập, cô Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc, Hai Bà Trưng đánh giá việc chốt phương án thi thời điểm này là thích hợp để các con có thời gian ôn tập, tăng cường luyện đề.
“Nội dung học tập hiện nay vẫn bám sát với chương trình sách giáo khoa để đảm bảo những kiến thức cơ bản cho các em, như vậy cũng dễ dàng hơn khi ôn các kiến thức nâng cao. Với những môn Toán, Văn, Anh đến thời điểm này nhà trường đã tăng cường bằng các bài kiểm tra tuần và kiểm tra tháng cho các em”, cô Ngọc Thuý thông tin.
Về việc học sinh chỉ chú trọng ôn thi bỏ qua những môn học khác, cô Phan Thị Chân Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, Đống Đa cho biết: “Các con còn rất nhiều nội dung trong chương trình cần phải hoàn thành. Nhà trường vẫn triển khai giảng dạy theo đúng giáo án tránh việc học lệch”.
Theo cô Lý hiện nay rất hạn chế trường hợp chỉ học những môn đi thi bởi như vậy sau khi lên THPT học sinh sẽ không có đủ kiến thức để theo học, nhất là theo Chương trình GDPT 2018 các con chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.
Lưu ý đối với các em học sinh chuẩn bị thi vào 10 để có những kết quả tốt nhất, giảm áp lực cô Nguyễn Minh Oanh, Fouder Hà Vũ English AZ bày tỏ: “Kỳ thi vào 10 chưa năm nào hạ nhiệt nhưng năm nay dường như các vị phụ huynh càng sốt sắng hơn. Lứa 2008 là lứa học sinh chịu ảnh hưởng lớn từ việc học online 2 mùa Covid-19, do vậy tư duy căn bản từ khi mới vào cấp 2 đã ít nhiều bấp bênh".
Các em tránh căng thẳng quá mức ảnh hưởng sức khoẻ, điều đó ảnh hưởng tới bài thi. Không nên học mọi thứ, nên học có chiến lược, tập trung ôn những gì quan trọng và trọng tâm, không nên dàn trải. Chỉ nên tập trung các kỹ năng mình còn yếu (căn giờ, viết đẹp, giải bài nhanh,….) thay vì chỉ làm đề.
Đa dạng hoá đề luyện, nên tập trung cả 3 môn với mức độ khó dễ linh hoạt và làm quen áp lực phòng thi dần để không bị sốc khi đi thi.
Theo số liệu năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS, gần 100.000 thí sinh dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Các trường THPT công lập chỉ đáp ứng khoảng 62% học sinh tốt nghiệp THCS, số còn lại sẽ học các trường trung cấp nghề, hệ thống trường ngoài công lập. Tâm lý phân biệt giữa trường công lập và trường dân lập vẫn còn đặt nặng dẫn đến áp lực cho cả phụ huynh và học sinh.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định rằng câu chuyện tổ chức thi là của nhà quản lý và vẫn cần có những cuộc thi để đánh giá năng lực cho học sinh, không ai muốn gây áp lực cho ai cả. Điều quan trọng bố mẹ phải hiểu tính chất kỳ thi từ đó nên động viên, khích lệ thay vì tạo áp lực cho con em mình.
Thầy Lâm cho rằng, phụ huynh cần biết rõ năng lực của học sinh và xác định trường phù hợp, nếu không thể theo học các trường công lập thì vẫn rất nhiều trường tư đảm bảo chất lượng đào tạo.