Ngày 12/9 tới đây, HĐND Tp.Hà Nội sẽ tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền. Một trong những nội chung quan trọng liên quan đến vấn đề học phí năm học 2022-2023.
Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố các nội dung dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp bao gồm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.
Đặc biệt xem xét Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố. Quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố.
Bên cạnh đó, xem xét quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Tp.Hà Nội năm học 2022-2023. Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của Tp.Hà Nội năm học 2022-2023.
Quy định một số nội dung chi và mức chi thuộc thẩm quyền, điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022-2023 trên địa bàn Tp.Hà Nội.
Đến nay ban Văn hoá-Xã hội HĐND Tp.Hà Nội đã họp thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực văn hoá-xã hội, trong đó một số nội dung quan trọng dư luận đang quan tâm.
Về quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố: Nội dung này dự kiến được xem xét tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố nhưng đã được lùi lại để rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo việc hỗ trợ thể hiện được sự ghi nhận, quan tâm của thành phố trước sự đóng góp, cống hiến của công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 257 tỷ đồng.
Về mức học phí năm học 2022-2023, HĐND Tp.Hà Nội sẽ thảo luận và quyết định trên cơ sở tờ trình của UBND thành phố, với dự kiến nội dung liên quan đến xác định việc áp dụng học phí theo Nghị định số 81 của Chính phủ là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo.
Nhưng tại thời điểm này thành phố quy định theo mức sàn (là mức thấp nhất) của Nghị định số 81, đồng thời dùng ngân sách thành phố để bù đắp phần chênh lệch để phụ huynh sẽ không phải đóng góp.
Đặc biệt, trong bối cảnh sau 2 năm đại dịch, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, thành phố tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022 và cho rà soát 100% đối tượng, mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Dự kiến tổng mức ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp Chính phủ quyết định giữ nguyên hoặc miễn giảm mức học phí năm học 2022-2023 thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trước đó, UBND Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về dự thảo nghị quyết thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023. Theo nội dung dự thảo, 30 quận, huyện được chia thành 4 vùng, làm căn cứ để xác định mức học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập.
Trong dự thảo đưa ra, học phí dự kiến áp dụng với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên ở Hà Nội năm học 2022-2023 cụ thể như sau (đơn vị đồng/học sinh/tháng):
Học phí vùng 1 và 2 là 155.000-300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).
Xét từng cấp học, học phí với bậc THCS và mầm non 5 tuổi (vùng 1) tăng từ 155.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng. UBND thành phố Hà Nội cho biết đây là hai nhóm có mức tăng tuyệt đối cao nhất với 145.000 đồng/học sinh/tháng, tăng gần gấp đôi.
Tuy nhiên, học phí THPT vùng 4 mới có tỉ lệ tăng cao nhất với 316,67%, tương đương hơn 4 lần, từ 24.000 đồng (năm 2021) lên 100.000 đồng.
Riêng tại vùng 2, học phí được giữ nguyên như năm 2021 với mức 155.000 đồng (THCS, trẻ mầm non 5 tuổi) và 217.000 đồng (THPT, nhà trẻ và mẫu giáo không gồm trẻ 5 tuổi).
Đối với bậc tiểu học được miễn học phí. Việc quy định mức học phí với bậc này trong tờ trình là căn cứ để quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học.
Với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí dao động trong khoảng 1-3,2 triệu đồng một tháng.