Hài hòa lợi ích của bên mua và bên bán bảo hiểm

Hài hòa lợi ích của bên mua và bên bán bảo hiểm

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 29/03/2022 17:29

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang lưu ý cần bảo đảm hài hòa hơn nữa quyền lợi của người mua bảo hiểm với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 29/3, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đề nghị nêu rõ sự cần thiết phải duy trì quỹ, hiệu quả sử dụng, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng có liên quan.

Góp ý về chế định hợp đồng bảo hiểm, nhấn mạnh các quy định về loại hình bảo hiểm là nội dung rất quan trọng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các chủ thể trong kinh doanh bảo hiểm như bảo vệ lợi ích của người cung cấp dịch vụ, người làm hợp đồng và người thụ hưởng bảo hiểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các loại hình bảo hiểm để đảm bảo cách phân loại có hệ thống và thống nhất trong dự thảo.

Đồng thời, xem xét quy định về 3 loại hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp và mỗi hợp đồng bảo hiểm phải có các nghiệp vụ bảo hiểm của từng loại hình bảo hiểm và phải do Chính phủ quy định.

Tiêu điểm - Hài hòa lợi ích của bên mua và bên bán bảo hiểm

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang lưu ý cần bảo đảm hài hòa hơn nữa quyền lợi của người mua bảo hiểm với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, như quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người mua bảo hiểm, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, quy định nhiệm vụ xây dựng ngân hàng dữ liệu chung thống nhất trên toàn quốc để làm cơ sở cho việc tính phí, nhằm đảm bảo sự công bằng, thống nhất với các công ty bảo hiểm, tích hợp với cơ sở dữ liệu cá nhân kết nối với Căn cước công dân trong xu thế số hóa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng tiếp cận và phê duyệt yêu cầu bảo hiểm thông qua hệ thống xếp hạng tín nhiệm bảo hiểm cho từng cá nhân, tương tự như đối với các tổ chức tín dụng khi duyệt cho vay cá nhân.

Đại biểu cho rằng, đây cũng là một hình thức để cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người dân. Tăng cường giám sát hậu kiểm và thanh tra thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm.

Tiêu điểm - Hài hòa lợi ích của bên mua và bên bán bảo hiểm (Hình 2).

Đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có cơ chế và quy định rõ ràng về kiểm soát chất lượng tư vấn của các đại lý thông qua việc cấp và phát hành chứng chỉ hành nghề; bổ sung quy định những hình thức xử phạt mang tính răn đe với các hành vi biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lừa đảo nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào ngành bảo hiểm.

Bày tỏ có cùng băn khoăn với đại biểu Tạ Thị Yên về bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu rõ, dự thảo Luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, lại không giải thích thế nào là chi phí hợp lý mà sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Thực tế thì hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu, không thể thay đổi, đặc biệt là đối với bên mua bảo hiểm là những cá nhân, họ càng không đủ kiến thức để hiểu tầm quan trọng của việc này. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung trong luật, nếu không thể bổ sung trong luật thì phải giải thích rõ trong các văn bản dưới luật và chi phí hợp lý này phải được đưa vào trong hợp đồng bảo hiểm để tránh trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố tình liệt kê các loại chi phí không hợp lý, ép người mua bảo hiểm phải chịu.

Đánh giá dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều điều khoản nhằm tạo hành lang pháp lý cho thúc đẩy thị trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, bên cạnh những điều khoản nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.

Trong đó, bổ sung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm vào khoản 1 Điều 17 của dự thảo luật về nội dung phải có trong hợp đồng bảo hiểm và xác định đây là điều khoản bắt buộc.

Đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe hay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, do đặc thù về tính chất bảo hiểm, về khả năng tiếp cận thông tin và vị thế của người được bảo hiểm trong thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng, đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung một số nguyên tắc gồm:

Quy định việc công ty bảo hiểm đảm bảo rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng và đầy đủ về quyền lợi được bảo hiểm và những phạm vi bị loại trừ liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và việc sử dụng dịch vụ y tế, tránh trường hợp đại lý bảo hiểm chỉ thông tin về quyền lợi được hưởng mà không thông tin về những quyền lợi bị loại trừ, bảo đảm rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng và đầy đủ về việc khai báo thông tin sức khỏe khi được yêu cầu. Các thông tin người mua bảo hiểm tự khai không phù hợp với chuyên môn về y tế, phải được thảo luận, tìm hiểu để thống nhất giữa người mua và công ty bảo hiểm.

Liên quan đến, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng duy trì cả hai loại quỹ có chung mục đích là không cần thiết và tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Tiêu điểm - Hài hòa lợi ích của bên mua và bên bán bảo hiểm (Hình 3).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm. 

Làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm đều có cùng một mục tiêu là bảo vệ cho người được bảo hiểm nhưng hình thành khác nhau.

Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện nay quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.

Bộ Tài chính mong muốn duy trì Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Mặc dù,có Quỹ dự trữ và được tiền bảo vệ nhưng cũng có khả năng bất khả kháng sẽ xảy đến vấn đề khó khăn thì Quỹ này dùng để can thiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh việc duy trì quỹ này sẽ đảm bảo được lợi ích và tính chủ động và là một công cụ cho cơ quan nhà nước can thiệp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.