Theo báo Tuổi trẻ, nam bệnh nhân 36 tuổi được chuyển đến bệnh viện E (Hà Nội) sau khi đã điều trị 14 ngày ở tuyến dưới nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Tình trạng lúc đó, bệnh nhân mệt mỏi, suy kiệt, da xanh, mất thăng bằng do mất máu nhiều, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ bệnh viện E đã cho truyền máu, truyền dịch nâng cao thể trạng, chụp cắt lớp vi tính đa dãy nhằm khảo sát mạch máu ruột non để phát hiện bất thường. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chỉ định nội soi ruột non bóng đôi tìm nguyên nhân.
Kết quả cho thấy có nhiều giun lúc nhúc bám trên niêm mạc ruột hút máu với nhiều điểm tổn thương trên niêm mạc ruột chảy máu, gây nên tình trạng thiếu máu trầm trọng. Khi gắp giun và sinh thiết điểm tổn thương, bác sĩ ghi nhận có tới 20 con giun mỏ ở ruột non bệnh nhân.
Cũng theo bệnh nhân, công việc chính là trồng cây quế và cây ăn quả nên thường xuyên tiếp xúc với đất. Ngoài ra, anh còn có thói quen nằm trên nền đất ruộng để ngủ, ăn các loại rau rừng, măng chưa nấu chín, uống nước suối.
Trao đổi với Zing, ThS. BS Đặng Trung Thành, Phó trưởng khoa Nội Tiêu hóa, bệnh viện E cho hay, giun mỏ có đôi răng hình bán nguyệt sắc bén ngoạm vào niêm mạc ruột của bệnh nhân để hút máu, bình quân chúng hút khoảng 0,03-0,05 ml máu/ngày. Loại giun này cũng tiết ra độc tố ức chế cơ quan tạo máu sinh sản hồng cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân. Chu kỳ vòng đời của giun mỏ lên tới 10-15 năm nếu không được điều trị.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ, khi tiếp xúc lâu với bề mặt đất cần có đồ bảo hộ.
Khải Nguyên (Tổng Hợp)