Binh sĩ Ukraine sử dụng UAV trinh sát ở tiền tuyến vùng Zaporizhzhia.
Theo Washington Post, Mỹ lo ngại cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào hệ thống radar cảnh báo hạt nhân của Nga có thể gây ra hệ quả nguy hiểm, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
"Mỹ quan ngại cuộc tập kích gần đây của Ukraine nhằm vào cơ sở radar cảnh báo tên lửa đạn đạo và hạt nhân nằm sâu trong lãnh thổ Nga", một quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ Washington Post.
Hôm 26/5, truyền thông Ukraine dẫn nguồn tin từ Cơ quan Tình báo Quân sự (HUR), cho biết Kiev đã phóng UAV tầm xa nhằm vào cơ sở radar của Nga cách 1.800km. Cơ sở này nằm ở thành phố Orsk, vùng Orenburg, gần biên giới Nga - Kazakhstan.
Theo quan chức Mỹ giấu tên, Washington đã truyền đạt mối quan ngại với Kiev về các cuộc tấn công kiểu như vậy. Trước đó, Ukraine được cho là đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào hệ thống radar hạt nhân của Nga ở vùng Krasnodar, dường như gây ra một số thiệt hại.
"Các cơ sở radar này của Nga không liên quan tới xung đột ở Ukraine. Đó là các khu vực nhạy cảm vì Nga có thể coi đây là cuộc tấn công nhằm đe dọa năng lực răn đe hạt nhân, làm suy yếu khả năng đối phó một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Nga".
Trong khi đó, Kiev cho rằng Moscow đã sử dụng các cơ sở radar trên để giám sát các hoạt động quân sự của Ukraine. Quan chức Ukraine giấu tên xác nhận với tờ Washington Post rằng Kiev đứng sau các vụ tấn công. Quan chức Ukraine nói mục tiêu của các cuộc tấn công như vậy là nhằm cản trở năng lực theo dõi của Nga ở khu vực miền nam Ukraine.
Ukraine hôm 26/5 đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào hệ thống radar Voronezh-M của Nga ở thành phố Orsk, gần biên giới Kazakhstan.
"Mỹ đang cân nhắc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, các cuộc tấn công đe dọa năng lực cảnh báo sớm của Nga có thể gây tổn hại quan hệ chiến lược giữa Nga và Mỹ", quan chức Mỹ giấu tên cho biết. "Ví dụ như Nga có thể coi Mỹ đang âm thầm hậu thuẫn Ukraine nhằm làm suy yếu năng lực đối phó một cuộc tấn công hạt nhân từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ".
"Cần phải khẳng định rõ rằng Mỹ không hề có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Nga. Nhưng vấn đề là Nga sẽ đánh giá các cuộc tấn công của Ukraine ra sao", quan chức Mỹ giấu tên nói.
"Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng răn đe hạt nhân của Nga có khả năng gây leo thang nguy hiểm với phương Tây. Các địa điểm nhạy cảm như trung tâm chỉ huy, cơ sở radar và mạng lưới kiểm soát hạt nhân của Nga cần phải nằm ngoài mục tiêu tấn công (của Ukraine)", chuyên gia Dmitri Alperovitch ở Mỹ, nói trên tờ Washingon Post.
Theo Washington Post, các chuyên gia Mỹ bày tỏ sự ngạc nhiên khi Ukraine tìm cách tấn công cơ sở radar của Nga ở thành phố Orsk. Tấn công cơ sở radar hạt nhân của Nga ở vùng Krasnodar còn có thể hiểu được vì khu vực này giáp biên giới Ukraine. Nhưng cơ sở radar ở Orsk thì khác, cơ sở này đóng vai trò ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Đông, Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho biết.
Hệ thống radar Voronezh-M của Nga có nhiệm vụ chuyên phát hiện các cuộc tấn công tầm xa bằng tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí hạt nhân.
Trả lời trên tờ Washington Post, quan chức Ukraine nói "vẫn có khả năng Nga sử dụng toàn bộ năng lực quân sự nhằm đối phó Ukraine, kể cả cơ sở radar cách xa hàng ngàn km".
Báo Mỹ nhận định, đây là ví dụ điển hình lý giải vì sao Mỹ đến nay vẫn không cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga.
Năm ngoái, Ukraine được cho là đã lên kế hoạch tấn công quy mô nhằm vào thủ đô Moscow của Nga, báo cáo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho biết.
Vài ngày trước vụ tấn công, giới chức Mỹ đã yêu cầu Kiev hủy bỏ kế hoạch của họ vì lo ngại có thể gây ra phản ứng mạnh từ Nga. Ukraine sau đó đã lắng nghe lời khuyên của Mỹ, Washington Post cho biết.
Trong vài tháng qua, Ukraine cũng phớt lờ các cảnh báo của Mỹ khi liên tục sử dụng UAV tự sát để tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga. Nga sau đó đã thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine với mục đích đáp trả.
Đăng Nguyễn - Washington Post