Do giá vé máy bay nội địa đắt đỏ, nhiều người chọn phương án bay nối chặng hoặc mua vé về quê bằng xe khách hay đi tàu hỏa.
Chị Quỳnh Chi đang tính toán đặt vé khứ hồi TP HCM - Đồng Hới cho hai vợ chồng và con nhỏ, nhưng hiện tại chỉ mua được chiều đi, chiều về các ngày từ 13/2-19/2 (tức 4/1-10/1 âm lịch) đều hết vé. Chị đang tìm cách để mua vé xe ô tô lượt vào nhưng các hãng cũng báo hết vé nằm chỉ còn ghế ngồi hành lang.
Giá vé máy bay dịp cao điểm Tết đắt đỏ, nhiều chặng "cháy" vé
"Năm nay, giá vé máy bay Tết cao hơn mọi năm nhưng số lượng chuyến bay hạn chế nên việc mua vé của gia đình tôi khá căng thẳng. Tôi đã nhờ 4-5 đại lý canh mua giúp hơn tuần nay vẫn chưa có vé để mua. Có lẽ chiều vào tôi chốt mua vé ô tô", chị Chi lo lắng.
Cũng vì giá vé máy bay vượt quá khả năng chi trả, một số người khác cũng đổi phương án như gia đình chị Chi.
Vợ chồng anh Lê Văn Ngọc (37 tuổi, quê Nghệ An) quyết định chuyển hướng về quê bằng xe khách, chấp nhận đi xe khách quãng đường 1.300 km từ TP.HCM về Nghệ An để tiết kiệm một phần tiền vé máy bay.
Chị Phương Phạm (26 tuổi - Hà Nội), hiện đang làm việc cho một ngân hàng nước ngoài tại TP HCM thì đành chấp nhận bay nối chặng. Để có thể về Hà Nội ăn Tết cùng gia đình, chị đã mua vé đi du lịch Thái Lan rồi từ Thái Lan về Hà Nội vào ngày mùng 1 Tết.
Chị Phương tính toán hiện giá vé máy bay một chiều TP.HCM về Hà Nội trước Tết vào khoảng 3,5-5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bay sang Thái Lan, giá vé chỉ là 1,6 triệu đồng cho chặng TP.HCM - Bangkok và 1,7 triệu đồng cho chặng Bangkok - Hà Nội.
"Giá vé thực chất không chênh lệch quá nhiều song tôi sẽ tránh được cảnh đông đúc, thậm chí có phần hỗn loạn ở sân bay nội địa những ngày cận Tết. Ngoài ra, tôi cũng có thể tranh thủ nghỉ ngơi, mua sắm ở Thái Lan trước khi về đoàn tụ cùng gia đình. Theo tôi, hình thức nối chuyến kiểu này chỉ phù hợp với những người có thời gian dư dả, thích trải nghiệm mới", chị Phương Phạm cho biết.
Hiện giá vé chặng TP.HCM - Bangkok rồi từ Bangkok bay về Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2024 đang có giá 3-4 triệu đồng của các hãng như Air Asia, Vietjet Air, Vietravel Airlines, Vietnam Airlines. Con số này cũng tương tự giá vé một chiều các chặng từ TP.HCM đi các tỉnh/thành.
Chị Bùi Thị Thu, nhân viên một đại lý vé máy bay ở Hà Nội, cho biết các chặng như TP HCM - Chu Lai/ Đồng Hới/ Thanh Hóa/ Vinh và ngược lại, năm nay hết vé sớm dù các hãng đã tăng cường 2 đợt mở bán mới.
Giá vé máy bay đắt đỏ, nhiều gia đình chuyển hướng đi tàu hỏa và ô tô
Theo đó, cuối năm 2023, sáu hãng hàng không đều tăng cường chuyến với số lượng lớn, tuy nhiên Bamboo Airways và Vietravel Airlines năm nay giảm lượng vé bán ra do đội bay giảm. "Cung không đủ cầu đẩy giá vé lên cao. Khá nhiều chặng bay bán hết vé Tết sớm và chỉ còn lại vé hạng thương gia", chị Thu nói thêm.
Theo Cục Hàng không, tính đến ngày 12/1, các hãng hàng không Việt Nam đã bán từ 80% đến hơn 100% số chỗ trên các chuyến bay giữa TP HCM, Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác trong dịp cao điểm Tết, từ ngày 24/1 đến ngày 25/2 (tức từ 14 tháng chạp đến 16 tháng giêng).
Do lượng khách đặt chỗ vẫn tăng dần nên tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức cao tại một số ngày sát Tết và chiều ngược lại sau Tết Nguyên đán, nên Cục Hàng không sẽ theo dõi và đề nghị các hãng cân đối, tăng chuyến trên các đường bay có nhu cầu cao trong dịp Tết âm lịch 2024.
Còn theo Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau hơn 2 tháng mở bán vé tàu Tết tuyến Bắc - Nam, tổng số vé đã bán đạt trên 152.000 vé. Các tàu chạy vào ngày, giờ cao điểm hầu như đã kín chỗ. Do vậy, ngành đường sắt mới đây đã thông báo tiếp tục tăng thêm 8 chuyến tàu tuyến Bắc - Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về quê đón Tết Giáp Thìn 2024.
Giá vé tàu hoả cao nhất tuyến Sài Gòn - Hà Nội hiện vào khoảng 3 triệu đồng và thấp nhất là 2 triệu đồng/vé.
Tuấn Kiệt